A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁC DÂN TỘC HUYỆN VĂN QUAN ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, PHÁT HUY LỢI THẾ, TIỀM NĂNG, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Văn Quan là một huyện nội địa, cách Trung tâm Thành phố Lạng Sơn 45 km; toàn huyện có diện tích đất tự nhiên là 54.756,9ha, đất sản xuất nông nghiệp là 8.514,0ha, đất lâm nghiệp là 38.777,4ha, số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số có 13.675/13.928 hộ, chủ yếu các dân tộc Tày, Nùng, Kinh sinh sống tại 121 thôn, khu phố trong đó có 08 xã vùng III và 65 thôn đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, cơ cấu nền kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, các chính sách dân tộc được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Toàn cảnh xã Hữu Lễ huyện Văn Quan

Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, việc lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt các chính sách dân tộc là góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và tạo lập khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện khoá XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra.

Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các Nghị quyết, chương trình, dự án, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc theo Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình mới.

Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, sự điều hành tích cực của UBND huyện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu của chính phủ, đối với vùng dân tộc góp phần nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện; trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh giao UBND huyện đã ban hành các Quyết định, các văn bản hướng dẫn UBND các xã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

 

Các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

 

Các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được UBND tỉnh giao vốn hằng năm, huyện ra Quyết định phân bổ nguồn vốn cho UBND các xã tổ chức thực hiện; cơ quan chuyên môn của huyện thẩm định, tham mưu cho UBND huyện phê duyệt, dự án được thực hiện lồng ghép các chương trình để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc cây trồng, vật nuôi, với tổng số kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn 2019 - 2024 là: 26 tỷ 310 triệu đồng cho 2.912 lượt hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng. Trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản có bước phát triển khá, giảm dần trồng trọt, tăng chăn nuôi và sản xuất lâm nghiệp, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh đất đai, nhân lực lao động, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Bà Triệu Thị Lý HTX Thuận Phát - Tràng Phái, huyện Văn Quan cho biết: thực hiện mô hình trồng nấm sò, sau khi trồng thì thấy là so với các loại cây trồng khác thì có hiệu quả kinh tế và có thu nhập cao hơn so với trồng lúa trồng ngô, đến năm 2022 vận động tổ hợp tác và bổ sung thêm thành viên xây dựng thành Hợp tác xã Thuận Phát Tràng Phái, hiện nay Hợp tác xã có 10 thành viên và hiện nay Hợp tác xã cũng mở rộng thêm mô hình nữa là sẽ trồng rau mầm để cung cấp cho thị trường có nhu cầu.

Mô hình trồng mấm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Kết quả thực hiện chính sách, nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là ưu tiên nguồn vốn để xây dựng đường giao thông cho những xã, thôn chưa có đường bê tông xi măng, đầu tư các công trình trụ sở UBND xã, Trạm Y tế, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, xây dựng mới. Đến nay 17/17 trụ sở UBND xã, thị trấn cải tạo nâng cấp, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đều được cứng hóa dải nhựa hoặc bê tông, đường trục liên xã được cứng hoá đạt 91%, đường trục thôn, liên thôn đã cứng hóa đạt 75%, đường ngõ xóm, nội đồng đã cứng hóa đạt trên 70%. 100% thôn, xã trên địa bàn huyện đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Ông Long Văn Hám, thôn Bản Thượng, xã Liên Hội, huyện Văn Quan, nói: Gia đình tôi là đảng viên, tôi tuyên truyền trong thôn có nhiều hộ hiến đất rất nhiều, riêng gia đình tôi hiến khoảng 1.800m, bây giờ có con đường đi lại rất thuận tiện, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến Nhân dân.

Nguồn lực từ chương trình đầu tư mang lại hiệu quả, giảm bớt những khó khăn trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đầu tư 03 công trình nước sinh hoạt tập trung cho cụm xã; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.154 hộ nghèo nhất là những thôn bản khó khăn về địa hình, dân cư tập không tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hộ anh Hoàng Văn Khàng, thôn Thống Nhất, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, cho biết: Trước đây gia đình chúng tôi sử dụng nguồn nước trong khe mó, nguồn nước không được đảm bảo vệ sinh cho lắm, vào mùa khô không có nước, nay được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch này, các hộ dân trong thôn chúng tôi được sử dụng nguồn nước ổn định.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, chính sách miễn, giảm học phí cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ và của tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh con em hộ nghèo có điều kiện học tập tốt hơn, duy trì đạt phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS. Đến nay toàn huyện có trên 25 trường học đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho công tác dạy và học, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật tại xã Hòa Bình huyện Văn Quan

Công tác đào tạo, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số đã được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm triển khai thực hiện, đã mở được 54 lớp, với 1.754 người học, tổng kinh  phí 3.392 triệu đồng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58%. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đã được chú trọng, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực y tế được quan tâm, mạng lưới khám chữa bệnh tiếp tục được củng cố, trang thiết bị được bổ sung góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. Chất lượng các dịch vụ y tế được trú trọng nâng cao, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh. Toàn huyện có 17/17 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm, Huyện tổ chức phục dựng được 02 lễ hội lồng tồng truyền thống, Lễ hội Chợ Bãi, xã Yên Phúc và Lễ hội Thồng Lạc, xã Tri Lễ. Hằng năm, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo tổ chức được gần 10 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau, thu hút được đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay toàn huyện có trên 60 Câu lạc bộ, đội văn nghệ với gần 1.000 hội viên tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể được 24 lớp tại các xã, thị trấn, thôn, phố, trường học với trên 850 học viên tham dự nhằm bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc, kinh phí 767 triệu đồng. Nghệ nhân ưu tú, Vy Thị Liên, Chi Hội phó Chi hội bảo tồn dân ca huyện Văn Quan, cho biết thêm: …

 

Câu lạc bộ văn nghệ Bjoóc Vẻn, thị trấn Văn Quan, luyện tập hát then, đàn tính

Chính sách về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa: đầu tư xây dựng mới 07 nhà văn hóa xã; xây mới, nâng cấp cho 65 nhà văn hóa thôn và mua sắm 59 bộ trang thiết bị, ngân sách nhà nước hỗ trợ 29.568 triệu đồng, kinh phí xã hội hóa trên 3.100 triệu đồng. Hiện nay toàn huyện có 13/17 xã, thị trấn đã có nhà văn hóa, 15/17 xã, thị trấn có sân thể thao, 100% thôn, phố có nhà văn hóa, phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa ở cơ sở và cộng đồng dân cư.

 Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện ngày càng có nề nếp, mang lại hiệu quả tích cực về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời, góp phần bài trừ các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, năm 2023 toàn huyện có 11.177 hộ/13.597 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 82,2%; 95/122 thôn, khu phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, chiếm 77,8%; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.

Bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm và phát huy

Bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm và phát huy

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đã được triển khai sâu rộng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương của tỉnh về các Bộ Luật; các quy định về phòng, chống tội phạm, ma túy, pháo nổ; các chính sách xây dựng nông thôn mới, chính sách dân tộc, giảm nghèo... được triển khai, tập trung cho người dân vùng đặc biệt khó khăn bằng nhiều hình thức khác nhau đã tổ chức được 21 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cho 2.331 lượt đại biểu tham dự trong đó tổ chức tại huyện được 04 cuộc/851 người; cấp xã được 17 cuộc/1480 người, qua đó đã góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân, giảm thiểu các vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, cơ quan chuyên môn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục duy trì sản xuất các chương trình truyền thanh và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất và phát sóng chuyên mục truyền hình cơ sở; thực hiện các phóng sự phục vụ các sự kiện chính trị, hội nghị, đại hội các cấp, các ngành; cung cấp chương trình phát thanh cho Đài Truyền thanh cơ sở xã phát lại; duy trì tốt việc tiếp và phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đúng thời gian quy định, phục vụ nhu cầu thông tin và giải trí của Nhân dân trên địa bàn huyện

Việc thực hiện chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, công tác lựa chọn, bình xét được tiến hành từ cơ sở thôn, bản, khu phố đến xã, thị trấn huyện đảm bảo đúng quy trình, hằng năm người có uy tín tham gia tập huấn và tham quan học tập kinh nghiệm do tỉnh, huyện tổ chức, thành lập đoàn tham gia học tập các mô hình phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc tại tỉnh Sơn La, tỉnh Điện Biên và tỉnh Hà Giang.

Người có uy tín tại các thôn bản, được UBND huyện tặng giấy khen

Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, Ban chỉ đạo của huyện và Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM của tỉnh mở lớp tập huấn cho cán bộ xã, các thành viên Ban chỉ đạo tham dự đầy đủ, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn huyện đạt 12,25 tiêu chí/xã và tiêu chí nông thôn mới nâng cao toàn huyện đạt 5,5 tiêu chí/xã, trên địa bàn huyện có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có xã Điềm He đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 11 khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, có 4 xã Tân Đoàn, Yên Phúc, Tú Xuyên, Điềm He được công nhận đạt vườn mẫu. Đồng chí Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: trong những năm qua, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Yên Phúc luôn được cấp Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành liên quan và toàn thể Nhân dân quan tâm thực hiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật trên địa bàn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đến nay 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được duy trì, tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái giữa các thôn với nhau. Xã Yên Phúc đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019 và đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với mục tiêu phấn đấu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, các chương trình dự án, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được triển khai thực hiện, với mục tiêu“ Không để ai ở lại phí sau“ .

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình khác đã triển khai thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 749 nhà, nhờ đó các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định cuộc sống, đồng thời các hộ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 137 hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng 48 dự án với 1.442 hộ nghèo, hộ cần nghèo được thụ hưởng, năm 2019 hộ tỷ lệ nghèo chiếm 26,65%, đến hết năm 2023 số hộ nghèo giảm xuống còn 10,64%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Công tác quốc phòng, an ninh thường xuyên được coi trọng, chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên; công an xã, công an viên thôn bản, các tổ an ninh nhân dân và phong trào tự quản ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; chú trọng nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nếp sống văn hoá mới, giữ gìn bản sắc dân tộc, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu. Các chính sách tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo quy định, luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đãi ngộ, luân chuyển cán bộ, tính đến thời điểm hiện tại số lượng cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện có 1.692 người, đến nay 91,1% cán bộ, công chức cấp huyện, trên 90% cán bộ và 95% công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, huyện bố trí, biệt phái cán bộ trẻ có năng lực đi cơ sở làm lãnh đạo đáp ứng yêu cầu công việc.

Trên địa bàn huyện có 5.618 đảng viên trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số 5.432 đảng viên, chiếm 96,68%, đội ngũ cán bộ đảng viên nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt huyện, xã luôn gương mẫu tiên phong đi đầu các hoạt động, đã củng cố được niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền. Đồng chí Hứa Phong Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện, Văn Quan, khẳng định: trong những năm qua các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm như: các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi công cộng không ngừng được đầu tư; phong trào toàn dân  đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được giữ vững và phát triển. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, Nhân dân các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn tiếp theo huyện Văn Quan tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là nông nghiệp nông thôn, phát huy nội lực, khai thác nguồn tài nguyên đất đai, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Bên cạnh những kết quả đạt, việc thực hiện các chính sách dân tộc, vẫn còn một số hạn chế; đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, các chính sách về giảm nghèo thực hiện còn dàn trải, tỷ lệ hộ nghèo qua các năm giảm nhưng chưa bền vững, nhận thức của một số người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước; kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn chưa được đồng bộ, đời sống của đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn...

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành liên quan để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc trên địa bàn toàn huyện. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là nông nghiệp nông thôn, phát huy nội lực, khai thác nguồn tài nguyên đất đai, nhân lực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm tăng thu nhập trong đồng bào các dân tộc, ổn định đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững; vận dụng và đưa các chính sách dân tộc vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, gắn các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục... với các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu dự án các xã đặc biệt khó khăn, triển khai các cơ chế hỗ trợ cho sản xuất tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc có điều kiện phát triển sản xuất, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả cao, tăng thu nhập giảm nghèo nhanh và bền vững; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế trên địa bàn, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm từng địa phương, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển hài hòa các lĩnh vực: Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp -TTCN; thương mại - dịch vụ… tạo nền kinh tế phát triển ổn định; Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, lồng ghép các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu cho phát triển các lĩnh vực xã hội; nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, lồng ghép các chính sách với xã hội hóa tạo cơ sở ổn định cho các trường bán trú các xã vùng III; đẩy mạnh xây dựng đạt chuẩn cơ sở vật chất các trường học; Tăng cường công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân, quan tâm đầu tư trang thiết bị, con người phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã vùng sâu vùng xa, vận động Nhân dân thực hiện giữ vệ sinh và bảo vệ môi trường, tập trung đầu tư trạm y tế xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất; Quan tâm chỉ đạo xây dựng các thiết chế văn hóa, gắn phong trào luyện tập thể thao với phát triển sân chơi bãi tập tại các thôn bản và sân thể thao các xã; chỉ đạo có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Tập trung nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho đồng bào dân tộc, vận dụng kiến thức vào đời sống và sản xuất, tạo tăng thu nhập để thoát nghèo nhanh và bền vững; Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng; triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; tiếp tục tăng cường trấn áp tội phạm, các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội.

Cùng với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dân tộc huyện Văn Quan đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

 

                      Ngọc Khoa - Đức Tôn - Hoàng Hải


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 2
Hôm nay : 88
Trong tháng : 9.583
Tất cả : 98.967