ĐẶC SẢN VĂN QUAN

1. Các món ẩm thực

- Thịt lợn quay:

Đặc sản lợn quay đã trở thành thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của huyện Văn Quan nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung, mang hương vị đặc trưng riêng do được chế biến từ các loại gia vị cùng lá mắc mật và cách chế nước phủ bì cho có độ giòn, bóng và lên màu trông đẹp mắt. Cắn miếng thịt ta sẽ cảm nhận được độ giòn rụm của bì và vị ngọt đậm đà của thịt với vị thơm đăng trưng, riêng có của lá mắc mật.

 

- Khau nhục

            Khau nhục là một trong những món ăn trứ danh làm nên tinh hoa ẩm thực của vùng đất Xứ Lạng, trong đó có Văn Quan. Khau nhục là món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng. Trải qua thời gian, khau nhục trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp quan trọng như đãi khách, đám cưới, lễ tiệc,... của đồng bào dân tộc vùng cao. 

Khau nhục được chế biến khá cầu kỳ, với các nguyên liệu là thịt ba chỉ, các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu… Từng công đoạn sơ chế, ướp thịt, sắp xếp thịt vào nồi và nấu đều được thực hiện một cách cầu kỳ, tỉ mỉ. Món khau nhục khi chín sẽ thơm nức mùi gia vị, lên màu đẹp mắt, hấp dẫn; miếng thịt sẽ mềm, ăn tan trong miệng…xứng danh là tinh hoa ẩm thực nức tiếng của mảnh đất vùng biên.

 

- Các loại xôi, bánh nếp

          + Xôi trám: Xôi trám cũng là 1 trong những món ăn truyền thống của người dân Văn Quan. Khi tiết trời bước sang Thu, vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi quả trám đen trên cây đã đủ độ già, người dân nơi đây sẽ đi hái trám về chế biến thành các món ăn. Trong các món ăn được chế biến từ quả trám đen thì không thể không nhắc tới món xôi trám. Để làm món xôi trám, trước hết phải chọn quả trám đã chín, không bị sâu. Quả trám đem rửa sạch rồi ngâm (om trám) vào nước ấm khoảng 70 độ C cho quả mềm. Tiếp đó vớt quả trám ra rồi đem bóc vỏ đen, lấy phần thịt bỏ hạt, rồi nghiền nhuyễn. Gạo nếp khi đã đồ chín thì đem trộn đều với phần thịt quả trám đã nghiễn nhuyễn đó. Khi đó chúng ta sẽ được món xôi trám có mầu hồng tím đẹp mắt; xôi ăn rất ngon có vị thơm, bùi và ngậy.

 

+ Xôi lá “sau sau”:

Cây sau sau là một loại cây rừng mọc tự nhiên trên khắp các quả đồi của vùng đất Văn Quan. Lá của loại cây này được người dân bản địa chế biến thành món rau trong các bữa ăn của mình. Trong đó, lá sau sau cũng được người dân đem về để làm nguyên liệu làm món xôi lá sau sau. Lá sau sau dùng làm nguyên liệu nấu xôi phải là lá bánh tẻ, thơm phức, chọn những chiếc lá đủ tiêu chuẩn để xôi có màu đen đẹp mắt. Sơ chế lá sau sau bằng cách băm nhỏ, giã nhuyễn rồi ngâm nước để ra nhựa sau đó lấy gạo nếp ngâm với nước đó đã được lọc bã, sau khoảng 10 tiếng đồng hồ, khi gạo đã có màu xanh thẫm thì đem đồ. Khi xôi chín, hạt xôi có màu tím đen bóng, đơm ra đĩa trông rất đẹp mắt. Xôi ăn có mùi thơm và vị ngon bùi của lá rừng.

          + Bánh ngải: được làm từ lá ngải non, đun với nước tro sạch cho nhừ, rửa sạch, bỏ xơ, sau đó đem giã nhuyễn, cuối cùng đem giã tiếp cùng xôi đã đồ chín tới khi thành khối bột mịn và dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Ăn bánh sẽ có vị thơm của lá ngải, vị ngậy của xôi nếp, vị ngọt của nhân vừng.

 

+ Bánh “sì tải” (pẻng tải):

          Theo quan niệm, bánh được xâu thành từng cặp để đeo bên người cho tiện cho nên người Tày, Nùng gọi là Pẻng tải (bánh đeo). Gạo để làm loại bánh này phải là loại nếp ngon. Nếp được ngâm chừng một buổi cho no nước, xay trong cối đá hoặc xát bằng máy thành một thứ bột đặc sánh, đựng trong túi vải, treo lên cho ráo nước. Lá gai đã được hái về từ trước, phơi khô tước bỏ gân lá. Lá khô đem ninh, khi đun bỏ thêm chút vôi tôi cho mau nhừ, sau đó rửa sạch, vắt khô, thái mịn. Đường phên - loại đường làm thủ công từ cây mía được thái nhỏ. Đem nhào đường, lá gai với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn. Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh. Nhân bánh được làm từ hạt đỗ xanh đãi sạch vỏ, đồ chín, nghiền nhuyễn hạt đỗ trộn thêm chút cùi dừa nạo sợi và dầu chuối, chút đường cho thơm, ngọt. Đem bột nặn thành từng chiếc bánh, cho nhân và xếp 2 chiếc bánh vào một đoạn lá chuối để gói lại. Sau đó xếp bánh vào nồi hấp cách thủy. Khi bánh chín, ăn có vị dẻo, thanh mát, ngọt bùi

 

- Rượu men lá:

Rượu men lá Hữu Lễ là sản phẩm độc đáo, được làm từ men lá và gạo ngon của Nhân dân xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan. Các công đoạn trưng cất, ủ và bảo quản theo phương pháp thủ công truyền thống đã cho ra sản phẩm rượu trắng trong vắt có hương vị đậm đà, thơm nồng.

- Cao khô Chợ Bãi: Cao khô Chợ Bãi là một loại thực phẩm đã trở nên phổ biến trong huyện và một số địa phương khác trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cao khô hay phở khô, mì gạo được chế biến từ gạo nguyên chất, thường là gạo bao thai hoặc đoàn kết được trồng tại các xã của huyện. Cao khô chợ Bãi có đặc trưng như: trắng, sáng màu gạo, hương thơm tự nhiên, sợi cao dai mềm…Cao khô Chợ Bãi đã trở thành nhãn hiệu hàng hóa tập thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Khẩu sli: Nguyên liệu chính để làm khẩu sli là gạo nếp, đường mía, có thể rắc thêm hạt lạc hoặc hạt vừng. Bánh được làm qua nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu, từ chọn gạo nếp, ngâm gạo, đồ thành xôi, giã bẹp, phơi khô đến rang cho nở, đun đường mía vừa tới, trộn khẩu sli đã rang vào đường, đổ ra khuôn, nén chặt và cắt thành miếng để ăn. Khẩu sli trở thành một món ăn, đặc biệt là món ăn để mời khách không thể thiếu và trong dịp Tết cổ truyền của người dân Văn Quan.

 

 

          3. Các sản phẩm từ cây Hồi
          Cây hồi là cây thế mạnh của huyện Văn Quan. Với những đặc trưng về sinh thái và cảnh quan, Văn Quan từ lâu đã là một địa chỉ trồng, thu hoạch và buôn bán hoa hồi nổi tiếng. Từ hoa hồi, ta có thể chế biến thành các sản phẩm như gia vị, dược phẩm có giá trị. Với hương vị thơm ngon đặc biệt, hồi là một thành phần quan trọng trong món phở nổi tiếng của Việt Nam, trong bột ngũ vị huyền thoại của Trung Quốc. Hơn nữa, cây hồi cũng có lịch sử lâu dài được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, và gần đây hơn, trong sản xuất dược phẩm của thuốc Tamiflu chống cúm và trong mỹ phẩm.  Hoa hồi đạt top 100 đặc sản, quà tặng Việt Nam năm 2020-2021.

Hiện nay, hồi được phân bố chủ yếu tại các xã Yên Phúc, Bình Phúc, An Sơn, Tràng Phái, Tân Đoàn, Liên Hội... Những cánh rừng hồi bạt ngàn có thể trở thành những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm.