A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp trực tuyến triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó bão số 3 năm 2024

Ngày 06/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp trực tuyến 3 cấp triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 3 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại điểm cầu huyện Văn Quan có Đồng chí Hoàng Văn Thuận, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp, cùng các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; Chủ tịch UBND các xã thị trấn, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dự tại điểm cầu cấp xã, thị trấn.

Các đại biểu họp trực tuyến 3 cấp triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 3 tại điểm cầu huyện Văn Quan.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, cơn bão có tên quốc tế là YAGI đã vào khu vực đông bắc biển Đông trở thành cơn bão số 3 hoạt động trên biển Đông trong năm 2024. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103- 117km/h), giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10 km/h. Cảnh báo từ 72 giờ đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Từ ngày 05-06/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.

Đồng chí Hoàng Văn Thuận, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các đơn vị, UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 3, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa và ứng phó với diễn biến mưa lớn trên địa bàn: theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, thông tin dự báo, tình hình mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tập trung chỉ đạo, có phương án di dời dân cư, khuyến cáo người dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở khi có mưa lớn. Đặc biệt là các điểm đã sạt lở và có nguy cơ cao sạt lở tiếp gây ảnh hưởng đến các hộ dân như: tuyến đường ĐH.53 (Lùng Pa - Pác Kéo - Thị Trấn), ĐH.59A (Khánh Khê - Đồng Giáp) và tuyến đường Khun Lầu xã An Sơn… Triển khai các lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Tổ chức bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, nhất là tại các điểm thường xuyên ngập úng, khu dân cư bị cô lập, UBND xã chủ động cung ứng cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân bị cô lập...

Các ngành liên quan triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ, đập, nhất là các hồ xung yếu; vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình bảo đảm điều tiết lũ cho vùng hạ du, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra, tổ chức trực gác 24/24 giờ về phòng chống lụt bão theo quy định.

Ngọc Khoa - Đức Tôn


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 3
Hôm nay : 178
Trong tháng : 12.336
Tất cả : 140.224