1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.

1.1.1 Vị trí địa lý.

Văn Quan là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 45 km (Theo trục đường QL 1B) Có vị trí toạ độ địa lý: Từ 21044’ đến 22000’ vĩ độ Bắc và từ 106024’ đến 106043’ kinh độ Đông.

Phía Bắc giáp huyện Văn Lãng;

Phía Nam giáp huyện Chi Lăng và Hữu Lũng;

Phía Đông giáp huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn;

Phía Tây giáp huyện Bình Gia và Bắc Sơn.

1.1.2. Địa hình.

Văn Quan thuộc vùng núi trung bình của tỉnh Lạng Sơn, có độ cao trung bình khoảng 400m so với mực nước biển. Địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi đá, núi đất xen kẽ các thung lũng nhỏ và nghiêng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Địa thế hiểm trở được tạo ra bởi những dãy núi đá vôi dốc đứng, hang động và khe suối ngang dọc gây khó khăn đến quá trình sản xuất và đi lại của Nhân dân trong huyện, nhưng đó cũng là một trong những điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

1.1.3. Khí hậu.

Khí hậu Văn Quan chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền Bắc, là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh và khô, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 21,20C. Độ ẩm không khí bình quân: 82,5%. Lượng mưa bình quân năm là 1.500mm. Do lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa nên gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại. Hướng gió thịnh hành là hướng Đông Bắc và Tây Nam. Huyện Văn Quan ít bị ảnh hưởng của gió bão nên thích hợp cho phát triển cây trồng dài ngày. Với nền nhiệt độ và số giờ nắng trung bình trong năm là 1.466 giờ rất thuận lợi cho việc bố trí mùa vụ, bố trí cơ cấu các loại cây trồng, là điều kiện để phát triển đa dạng, phong phú các loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới.

1.1.4. Tài nguyên nước.

Văn Quan có hệ thống sông suối khá dày đặc và phân bố khá đồng đều, đặc biệt có sông Kỳ Cùng chảy qua các xã: Khánh Khê, Điềm He, có chiều dài khoảng 35km; sông Môpja chảy qua các xã: Lương Năng, Tú Xuyên, thị trấn Văn Quan, xã Điềm He…với chiều dài hơn 50km, ngoài ra còn có một số con suối khác chảy qua các xã trong huyện. Với địa hình bát úp, các hợp thủy và nhiều thung lũng nhỏ, huyện Văn Quan đã tiến hành xây dựng được hệ thống các hồ, đập dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, có thể xây dựng thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: Hồ Bản Nầng, hồ Suối Mơ…

1.1.5. Tài nguyên đất đai.

Theo đánh giá hiện trạng sử dụng đất của huyện Văn Quan tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là: 54.755,9ha. Huyện Văn Quan có những vùng núi đất và núi đá vôi xem kẽ, diện tích núi đá có 5.218,4ha; diện tích núi đất có 49.537,5ha. Đất của Văn Quan thuộc loại địa hình bằng và sườn thoải (51,0% diện tích có độ dốc nhỏ hơn 150). Cụ thể diện tích các loại đất như sau:

Đất Nông nghiệp:                    45.559,7ha.

Đất phi Nông nghiệp:               2.741,4ha.

Đất ở đô thị:                             43,9ha.

Đất ở nông thôn:                      596,7ha.

Đất chưa sử dụng:                    6.454,8ha.

Đánh giá chung các loại đất đồi núi của Văn Quan thuộc loại đất tương đối màu mỡ, đa số đất có tầng dày trên 50 cm, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ trung bình tới khá. Đặc điểm thổ nhưỡng của huyện chủ yếu là: Đất feralit nâu đỏ và màu vàng phát triển trên đá vôi hoặc bồn địa phù sa. Đây là tiềm năng và cũng là thế mạnh để phát triển lâm nghiệp, phát triển các loại nông sản đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao như: hoa quả, thảo dược,...

1.1.6. Tài nguyên rừng.

Tổng diện tích đất có rừng của huyện Văn Quan là 36.759,1ha, chiếm 67,13% tổng diện tích tự nhiên. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 459,2%. Trong đó: Đất rừng sản xuất là 27.825,3ha; đất rừng phòng hộ là 7.844,65ha; đất rừng đặc dụng là 1.089,2ha.

Rừng là nguồn tài nguyên chiêm ưu thế của huyện. Đất lâm nghiệp chiếm phần lớn diện tích chủ yếu trong cơ cấu sử dụng đất của toàn huyện. Tổ thành loài chủ yếu ở rừng núi đất là: Sau sau, sơn ta, dẻ, thẩu tấu, thành ngạnh... Tổ thành chủ yếu ở rừng núi đá là: Mạy tèo, sảng nhung, đinh thối và một số cây trai lý, gụ, nghiến. Các cây rừng nhân tạo chủ yếu là: Bạch đàn, Keo, Thông... Đặc biệt, cây hồi là cây thế mạnh của huyện. Diện tích Hồi đạt khoảng 15.527ha, sản lượng hồi tươi đạt khoảng 23.000 tấn.

Hệ động vật rừng mang tích đặc thù của vùng sinh thái núi đá Đông Bắc, tuy nhiên chất lượng và số lượng đã bị suy giảm mạnh, các loại thú lớn như: Hổ, gấu không còn thấy xuất hiện. Hiện nay, tổ thành loài chủ yếu là các loại thú nhỏ như: cầy hương, cầy bay, khỉ, hươu và một số ít lợn rừng...

1.2. Tài nguyên du lịch.

1.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên.

a) Hang động, thung lũng, cảnh đẹp.

Văn Quan có đặc điểm của vùng núi đá vôi, có nhiều hang động đẹp, kỳ vĩ, xen lẫn là các thung lũng, đèo dốc với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Đây là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch tại Văn Quan như hệ thống hang Nà Lả - xã Liên Hội, Ngườm Thẳm - xã Tràng Phái; thung lũng tại thôn Nà Lùng, thôn Bản Só, xã Hữu Lễ với bãi cỏ xanh mướt, có thác nước, khe suối trong mát chảy quanh; đèo Lùng Pa quanh co, uốn lượn.

Hang Nà Lả thuộc thôn Khòn Cải, xã Liên Hội là một hang đá tự nhiên đẹp, kỳ vĩ. Vượt qua cánh đồng Khòn Cải là đến cửa hang. Hang gồm hai tầng, tầng trên và tầng dưới thông nhau. Hang sâu khoảng 100m. Trong hang có nước, có nhiều nhũ đá với hình thù rất đẹp và lạ mắt.

Thung lũng Nà Lùng có diện tích hơn 10ha với những bãi cỏ xanh mướt quanh năm; có khe nước chảy quanh dãy núi đá vôi, vào mùa mưa nước dâng cao tạo nên phong cảnh rất đẹp. Khu Lân Thại, thôn Nà Lùng có diện tích trên 2ha, nơi đây có hang động với nhiều nhũ đá đẹp, có thác nước tự nhiên chảy thành dòng suối trong mát quanh năm. Khu Lân Bó, thôn Bản Só có diện tích khoảng 6ha. Đây là một thung lũng nhỏ, có dòng suối chảy quanh năm, bao quanh là núi đá vôi, nơi đây có phong cảnh đẹp. Người dân đã trồng được khoảng 4,5ha Quýt Bắc Sơn.

Theo quốc lộ 1B, hướng từ thành phố Lạng Sơn vào Văn Quan phải vượt qua đèo Lùng Pa thì mới đến trung tâm của huyện Văn Quan. Đèo Lùng Pa dài 7km, quanh co, uốn lượn, một bên là vách núi, đồi cao, một bên thoai thoải những vườn cây, đồi thấp, quang cảnh rất đẹp. Trên đỉnh đèo, có hai tảng đá to trồng lên nhau trông rất lạ mắt, có vẻ như chênh vênh sắp đổ nhưng thực ra rất chắc chắn; cũng tại vị trí này vào buổi sớm ta sẽ ngắm được cảnh mặt trời mọc với những đám mây trắng bồng bềnh ôm lấy những quả đồi, ngọn núi xa xa, nhấp nhô rất đẹp và nên thơ.

Với hệ thống hang động, thung lũng như trên có thể đầu tư thành một khu du lịch tổng hợp với nhiều loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, khám phá, mạo hiểm, trải nghiệm...Đỉnh đèo Lùng Pa có thể đầu tư thành điểm dừng nghỉ, mua sắm các sản vật đặc trưng, quà lưu niệm khi du khách đến thăm Văn Quan.

b) Hồ, đập nước.

Văn Quan có hệ thống sông suối khá dày đặc và phân bố khá đồng đều, đặc biệt với địa hình bát úp, các hợp thủy và nhiều thung lũng nhỏ, thì huyện Văn Quan có những hồ nước tự nhiên và đã tiến hành xây dựng được hệ thống các hồ, đập dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và có tiềm năng để xây dựng thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: Hồ Bản Nầng, Đập Bản Quyền, hồ Suối Mơ.

Hồ Bản Nầng thuộc thôn Bản Nầng, xã Tân Đoàn, cách trung tâm xã khoảng 7km. Hồ Bản Nầng có diện tích trên 14ha, diện tích mặt nước là 12ha, cao trình 9,56m. Đây là hồ nước tự nhiên, nước trong xanh quanh năm. Vị trí của hồ có độ cao trên 700m so với mực nước biển. Khí hậu nơi đây có mùa hè rất mát mẻ, nhiệt độ thường thấp hơn so với khu vực khác khoảng 2 - 3oC. Quang cảnh khu vực hồ rất đẹp và hoang sơ, hồ được bao quanh bởi những cánh rừng hồi bạt ngàn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng về giao thông, điện chưa được đầu tư nên còn khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Hồ Bản Nầng có tiềm năng lớn để khai thác cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nếu được đầu tư có hệ thống và khắc phục những hạn chế hiện có.

Công trình thủy lợi, thủy điện Bản Quyền thuộc thị trấn Văn Quan, là công trình phục vụ cho thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, phát điện và sinh hoạt của Nhân dân thị trấn và các xã lân cận. Diện tích mặt hồ là 64ha. Dọc hai bên bờ của đập là khu vực dân cư, xen với những thửa ruộng, đồi núi thấp…phong cảnh trông rất nên thơ, hữu tình. Hơn nữa, huyện Văn Quan đang lập quy hoạch xây dựng khu đô thị tại khu vực này với mục tiêu xây dựng thị trấn Văn Quan trở thành khu đô thị du lịch. Bởi vậy, trên lưu vực của công trình này chúng ta có thể khai thác phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá (Câu cá, trèo bè, trèo thuyền…).

Hồ Suối Mơ thuộc thôn Nà Dài, xã Bình Phúc nằm gần Quốc lộ 279. Hồ có diện tích 03ha, cao trình là 03m. Hồ nước mát mẻ, trong xanh quanh năm. Nguồn nước được cấp bởi mạch nước ngầm ngay trong lòng hồ. Hồ Suối Mơ có tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch vui chơi, giải trí trên cơ sở gắn kết với các điểm du lịch khác trên tuyến Quốc lộ 279.

Đập nước Bó Kheo thuộc thôn Khòn Coọng, xã Liên Hội, cách Tỉnh lộ 232 khoảng 500m. Đập có diện tích mặt nước là 04ha. Vào mùa mưa, nước trong xanh mát mẻ; vào mùa khô, mực nước xuống thấp làm cho các mỏm đá cao - thấp nhô trên mặt nước trông rất đẹp. Quanh đập nước là 01 dãy núi và các thửa ruộng của người dân. Phong cảnh xung quanh đập nước rất đẹp và nên thơ. Đập Bó Kheo có tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch vui chơi, giải trí.

c) Cây công nghiệp.

Cây hồi là cây thế mạnh của huyện Văn Quan. Diện tích hồi đạt 13.527ha, sản lượng hồi tươi đạt 23.000 tấn/năm. Với những đặc trưng về sinh thái và cảnh quan, Văn Quan từ lâu đã là một địa chỉ trồng, thu hoạch và buôn bán hoa hồi nổi tiếng. Từ hoa hồi, ta có thể chế biến thành các sản phẩm như gia vị, dược phẩm có giá trị. Với hương vị thơm ngon đặc biệt, hồi là một thành phần quan trọng trong món phở nổi tiếng của Việt Nam, trong bột ngũ vị huyền thoại của Trung Quốc. Hơn nữa, cây hồi cũng có lịch sử lâu dài được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, và gần đây hơn, trong sản xuất dược phẩm của thuốc Tamiflu chống cúm và trong mỹ phẩm.

Hiện nay, hồi được phân bố chủ yếu tại các xã Yên Phúc, Bình Phúc, An Sơn, Tràng Phái, Tân Đoàn, Liên Hội... Những cánh rừng hồi bạt ngàn có thể trở thành những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm.

1.2.2. Tài nguyên du lịch văn hóa.

a) Di tích lịch sử  - văn hóa.

Di sản do thiên nhiên và lịch sử để lại đó là hệ thống các di tích và danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử và văn hoá. Hiện nay, toàn huyện có 12 di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa bao gồm:

- Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là di tích lịch sử cấp Quốc gia (Theo Quyết định số 2233/1995/QĐ- BVH-TT ngày 06 tháng 6 năm 1995 của Bộ Văn hóa và Thông tin về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia).

+ Địa chỉ: Thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh.

+ Đặc điểm: Nhà lưu niệm là nơi sinh ra đồng chí Lương Văn Tri, nơi thăm viếng tưởng nhớ công lao, thân thế, sự nghiệp của người chiến sỹ cách mạng, người con ưu tú của tỉnh Lạng Sơn. Nhà lưu niệm có diện tích trên 100m2, được thiết kế 03 gian, xây bằng gạch chiên (Loại gạch bằng đất sét không nung). Các cửa sổ, cửa đi đều có khung bằng gỗ để làm bản lề giữ cửa. Về nghệ thuật đây là một loại hình kiến trúc nhà đất truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày ở Lạng Sơn.

- 11 di tích lịch sử - văn hóa (Theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002), gồm các di tích sau:

+ Cầu đá - Bia đá, xã Bình Phúc (Di tích lịch sử).

Vị trí: Thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc

Đặc điểm Cầu đá - Bia đá do một viên quan người địa phương họ Hà - Hà Quốc Tán, xây dựng vào năm 1769 (Thế kỷ 18). Cầu bắc qua suối Khằm Ngàn, gồm có 03 trụ đá và 06 thanh đá bắc qua. Cầu có kích thước dài 5m, rộng 2,3m và cao 2,5m. Bia đá được dựng cách cầu đá 50m về hướng Tây, là một tấm bia 4 mặt (Cao 1,5m và mỗi cạnh là 0,48m). Bia tạc năm 1770 nội dung bia ghi lại năm xây dựng cầu và tên người hưng công xây dựng cầu. Hiện nay, bia đá được xây dựng nhà bia và  xây tường rào bảo vệ.

+ Hang Rộc Mạ, xã Bình Phúc (Di tích lịch sử khảo cổ).

Vị trí: Thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc

Đặc điểm: Đây là nơi hai lần tổ chức sự kiện Đại hội Đảng bộ huyện Điềm He (Nay là huyện Văn Quan): Lần thứ nhất tháng vào tháng 10/1947 và lần thứ hai vào tháng 7/1949. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới hang Rộc Mạ là kho đạn dược vũ khí của bộ đội công binh. Hang Rộc Mạ còn là di tích Khảo cổ học được người Pháp phát hiện và công bố vào đầu thế kỷ XX. Hang Rộc Mạ có phần cửa rộng, vòm cao khoảng 20m. Tại đây quân đội ta xây tường đá bao quanh tạo tường thành khá lớn trong hang. Phía trong gần cửa hang được san bằng, láng nền và xây bậc khá bằng phẳng. Trong lòng hang có nhiều ngõ ngách và nhũ đá.

+ Hang Quốc Phòng (Hang Nàng Tiên), thị trấn Văn Quan (Di tích lịch sử).

Vị trí: Phố Nà Lộc,  thị trấn Văn Quan .

Đặc điểm: Là một hang đá tự nhiên to, rộng và đã được bộ đội ta cải tạo thành kho quân khí, cung cấp vũ khí đạn dược vào chiến trường miền nam trong những năm kháng chiến 1968 - 1972. Cửa hang quay về phía Tây, cao khoảng 2,5m xây bê tông cao khoảng 2m. Lòng hang rộng 60m, trần hang cao khoảng 30m. Hang sâu chừng 500m có 2 cửa.

+ Hang Pác Ả - Kéo Vãng, thị trấn Văn Quan (Di tích khảo cổ).

 Vị trí: Phố Nà Lộc,  thị trấn Văn Quan.

 Đặc điểm: Là hang đá tự nhiên, hang trên là hang Pác Ả, hang dưới là hang Kéo Vãng, cửa hang hướng Đông Nam. Hang được bảo tàng Lạng Sơn phát hiện năm 1998. Tại hai nền hang có rất nhiều dấu tích khảo cổ học (KCH) như: Vỏ ốc suối chặt đít, mảnh tước, đá công cụ... và đặc biệt tại hai hang này đã phát hiện được rìu mài nhẵn có vai và một số mảnh gốm. Di chỉ từng là nơi cư trú khá lâu của người tiền sử qua nhiều thế hệ khác nhau; sống cách ngày nay từ 4000 đến 3000 năm trước Công Nguyên thuộc thời đại hậu kỳ đá mới và nền văn hóa Mai Pha. Hang Pác Ả có chiều sâu khoảng 18m. Cửa hang rộng 4m, cao 5m ăn thông nhau từ Đông Bắc sang Đông Nam. Hang Kéo Vãng cách hang Pác Ả khoảng 40m. Chiều dài từ ngoài vào trong hang khoảng 30m, có độ dốc lên cao khoảng 47o, trần hang cao từ 5 - 7m.

+ Bãi đất Khum Nặm, xã Bình Phúc (Di tích lịch sử).

Vị trí: Thôn Khòn Mới, xã Bình Phúc.

Đặc điểm: Di tích là một Bãi đất bằng phẳng, rộng khoảng 200m2,  giữa thôn Khòn Mới, xung quanh là nhà dân và rặng tre bao bọc. Tháng 10/1945 Tỉnh ủy lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời Lạng Sơn đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại đây. Mỗi đoàn đều có cờ đỏ, sao vàng, băng rôn khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh”. Tại cuộc mít tinh này, Tỉnh ủy đã long trọng tuyên bố UBND lâm thời Tỉnh Lạng Sơn đã được thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm chủ tịch.

+ Đồi Pò Deng, xã Tân Đoàn (Di tích lịch sử).

Vị trí: Thôn Phai Rọ, xã Tân Đoàn.

Đặc điểm: Di tích là một bãi đất rộng, là nơi ghi dấu sự kiện, ngày 01/5/1946, Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ Điềm He được thành lập tại nơi đây, đồng chí Phương Đình Shừ (Tức Nhạc Sơn) làm bí thư, cùng các đảng viên: Phương Nháy (Tức Hoan Cảnh), Nông Văn Chính (Tức Trung Thành). Sự thành lập Chi bộ Đảng của huyện, đánh dấu phát triển mới  của phong trào quần chúng huyện Điềm He nói chung và của các xã thuộc Tổng Tràng Phái nói riêng. Địa điểm Pò Deng  nằm cách trụ sở UBND xã Tân Đoàn 400m, cách đường tỉnh lộ đi Điềm He, Pác Ve 100m. Tại  địa điểm Pò Deng đã được xây dựng 1 khu tưởng niệm có bia ghi dấu sự kiện.

+ Hang Phja Tạng (Bà Đầm), xã Tân Đoàn (Di tích khảo cổ).

Vị trí: Thôn Phai Rọ, xã Tân Đoàn.

Đặc điểm: Di tích hang Bà Đầm ở lưng chừng núi Phja Tang, đường lên xuống hang rất cao. Năm 1923, bà M.colani (Nhà KCH người Pháp) đã đào thám sát nhỏ thu thập được nhiều vỏ ốc suối, mảnh tước, rìu có vai và đồ gốm. Năm 1993, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lạng Sơn và Viện KCH Việt Nam cũng đã lên thám sát hang và cũng thu thập được một số di vật: Ốc suối, đá công cụ... và đồ gốm. Di tích là một hang đá tự nhiên nằm trên lưng chừng núi. Hang sâu 25m, có độ dốc khoảng 15o cao dần từ ngoài vào trong, trần thấp, đáy có lớp trầm tích lắng đọng khá cứng.

+ Lùng Yêm, xã Tân Đoàn (Di tích khảo cổ).

Vị trí: Thôn Phai Rọ, xã Tân Đoàn

Đặc điểm: Năm 1925, hai nhà Sử học và Khảo cổ học người Pháp là H.Mansuy và M.Colani đã phát hiện hang này và đã đào thám sát và công bố kết quả một cách rộng rãi. Tại hang này đã tìm thấy một số đốt sống cá, mảnh gốm, một “Dấu Bắc Sơn”. Đây là di chỉ khảo cổ thuộc vào thời kỳ hậu kì đá mới.

+ Hang Phja Thình, xã Tân Đoàn (Di tích khảo cổ).

Vị trí: Thôn Phai Rọ, xã Tân Đoàn.

Đặc điểm: Ngày 24 tháng 8 năm 1945, tại hang Phja Thình, thôn Phai Rọ, xã Vân Nham (Nay là xã Tân Đoàn), đồng chí Phan Minh Tuệ đặc phái viên của Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy lâm thời, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời đã tiến hành cuộc họp để quyết định ngày giải phóng tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là một di tích khảo cổ. Các di vật tìm thấy trong hang gồm: ốc ruộng, ốc suối, ốc biển, mảnh tước, mảnh rìu, mảnh gốm, xương răng di cốt người và động vật…

+ Hang Bản Háu, xã Tràng Phái (Di tích lịch sử).

Vị trí: Thôn Thống Nhất, xã Tràng Phái.

Đặc điểm: Di tích hang Bản Háu được hai nhà Sử học và Khảo cổ học người Pháp là H.Mansuy và M.Colani phát hiện vào những năm 1923 - 1924. Tại hang này hai nhà Khảo cổ học đã đào thám sát nhỏ thấy vỏ ốc Cypraea cách ngày nay khoảng 33.000 - 28.000 năm.  Ngoài ra, còn tìm thấy “Dấu Bắc Sơn” cùng nhiều mảnh đá công cụ khác như mảnh tước, rìu mài toàn thân, vỏ ốc nước ngọt, xương răng động vật, di cốt người, đồ gốm trang trí khắc vạch kiểu Mai Pha, và tô thổ hoàng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1968 - 1972, hang đã được dùng làm nơi trú ẩn, kho vũ khí đạn dược của Huyện đội Văn Quan.

+ Hang Ngườm Thẳm, xã Tràng Phái (Di tích lịch sử).

Vị trí: Thôn Khòn Riềng, xã Tràng Phái

Đặc điểm: Trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược, Ngườm Thẳm là nơi ẩn náu, nơi che dấu cán bộ cách mạng, là nơi che chở cho dân làng tránh khỏi bom đạn của đế quốc Mỹ. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hang Ngườm Thẳm là một căn cứ cách mạng quan trọng của huyện Văn Quan, là nơi diễn ra các cuộc họp quyết định vào sự thắng lợi to lớn của quân và dân ta thời kỳ đó. Hang ở lưng chừng núi, cách chân núi khoảng 30m. Đây là một hang động tự nhiên, có độ sâu và rộng, có nhiều nhũ đá với hình thù sinh động.

b) Lễ hội truyền thống.

Văn Quan là địa bàn sinh sống của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa. Trong đó, dân tộc Nùng, Tày chiếm số đông hơn cả. Văn Quan là vùng đất lưu giữ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có trên 50 lễ hội lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu là lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng. Trong đó phải kể đến một số lễ hội thu hút du khách địa phương và nơi khác như: Lễ hội lồng tồng Tu Đồn - Thị trấn Văn Quan (Ngày Mùng 4 tháng Giêng); Khòn Khẻ - xã Bình Phúc (Ngày Mùng 7 tháng Giêng); Bản Giềng - xã Tú Xuyên (Ngày 13 tháng Giêng) và Hội chợ Ba Xã - xã Tân Đoàn (Ngày 27 tháng 3 âm lịch).

- Lễ hội lồng tồng của huyện Văn Quan được tổ chức vào mùa xuân, trong những ngày của tháng Giêng Âm lịch. Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian mang sắc thái độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc của người Tày, người Nùng Văn Quan. Lễ hội diễn ra với những nghi thức ở phần lễ và những trò chơi, trò diễn dân gian vui nhộn ở phần hội, thể hiện tính cộng đồng rất cao. Bởi thế, mọi du khách tham dự đều có thể dễ dàng hòa mình vào lễ hội, vừa là người hưởng thụ, vừa là người tham gia sáng tạo các giá trị trong lễ hội.

- Hội chợ Ba Xã - xã Tân Đoàn: Hội chợ đông vui và nổi tiếng nhất ở Văn Quan là hội chợ Ba Xã. Chợ này hàng năm họp hội chợ vào phiên ngày 27 tháng 3 âm lịch.

Xưa kia, hội chợ chủ yếu dành cho nam nữ thanh niên đang tuổi yêu, tuổi nhớ. Ngày hội chợ rất nhộn nhịp, đông vui. Trong chợ, tiếng sli giao duyên vang lên quyện với tiếng cười và mùi thơm của áo chàm mới đã làm tăng nét độc đáo của hội chợ trên đất Văn Quan. Ngày nay, trên cơ sở những chợ phiên để giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội, hội chợ Ba Xã ở Văn Quan vẫn tiếp tục được duy trì và có một số biến đổi theo hướng phù hợp với cuộc sống hiện đại.. Đến hội chợ ai cũng mang một thứ gì đó như gà, gạo, đồ đan lát, rau, củ quả để bán và mua những vật dụng cần thiết cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, tại đây, du khách sẽ thấy hình ảnh hàng chục con lợn quay thơm, ngon được bày bán. Và đâu đó, những điệu sli, lượn vẫn được cất lên, trò chơi, trò diễn dân gian được tổ chức… Đến với ngày hội chợ Ba Xã, du khách sẽ cảm nhận được không khí đông vui, háo hức của tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai rủ nhau về dự hội.

c) Dân ca, dân vũ.

Văn Quan là một vùng đất có nền dân ca rất dân tộc và độc đáo. Đó là các làn điệu sli, then, lượn, quan làng, cỏ lảu… Du khách đến Văn Quan sẽ được thưởng thức những làn điệu sli, lượn, phong slư trong những ngày lễ hội truyền thống, nhưng phiên chợ và hội chợ; các làn điệu then mượt mà và then nghi lễ linh thiêng, huyền bí cùng tiếng tính tẩu, xóc nhạc rộn ràng, điệu múa chầu uyển chuyển; điệu quan làng, cỏ lảu trong những đám cưới, mừng nhà mới…Đây là một trong những tiềm năng có thể khai thác phục vụ cho khách du lịch muốn trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng huyện Văn Quan.

d) Ẩm thực.

Cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh Lạng Sơn, ở Văn Quan có nhiều món ăn ngon, độc đáo. Du khách đến với Văn Quan sẽ được thưởng thức các món ngon được chế biến từ gạo nếp như các loại xôi: Xôi trám đen, xôi trứng kiến, xôi nhộng ong…; các loại bánh: Bánh ngải, bánh xì tải, khẩu sli… và được thưởng thức món cá lồng, cá sông, suối, thịt lợn quay, khau nhục thơm ngon…

đ) Nhà ở truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được trên 2.000 nhà sàn của người Tày và người Nùng, tập trung thành bản với hàng chục nóc nhà tại xã Yên Phúc, xã Hữu Lễ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

e) Nghề truyền thống.

Ở Văn Quan có một số nghề truyền thống như: Nghề làm cao khô, nghề làm bánh khẩu sli, nghề đan lát.

Khu vực Chợ Bãi của xã Yên Phúc có nghề làm cao khô truyền thống. Hiện nay có khoảng 20 hộ gia đình sản xuất quanh năm. Cao khô Chợ Bãi là một loại thực phẩm đã trở nên phổ biến trong huyện và một số địa phương khác trong tỉnh và ngoài tỉnh. Cao khô Chợ Bãi đã trở thành nhãn hiệu hàng hóa tập thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Tại xã An Sơn, hiện nay có khoảng chục hộ gia đình làm bánh khẩu sli để bán ra thị trường. Nguyên liệu chính để làm khẩu sli là gạo nếp, đường mía, có thể rắc thêm hạt lạc hoặc hạt vừng. Bánh được làm qua nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu, từ chọn gạo nếp, ngâm gạo, đồ thành xôi, giã bẹp, phơi khô đến rang cho nở, đun đường mía vừa tới, trộn khẩu sli đã rang vào đường, đổ ra khuôn, nén chặt và cắt thành miếng để ăn. Khẩu sli trở thành một món ăn, đặc biệt là món ăn để mời khách không thể thiếu và trong dịp Tết cổ truyền của người dân Văn Quan.

Tại xã Hòa Bình vẫn còn lưu giữ nghề đan lát truyền thống. Ở đây, người dân dùng các loại cây như tre, nứa chẻ thành lạt để đan thành các sản phẩm như rổ, rá, giỏ, sọt, cót…để đựng, phơi nông sản rất tiện lợi và đẹp mắt.

Khi du khách có dịp ghé thăm Văn Quan sẽ được thăm và trải nghiệm một số công đoạn như: Tráng bánh, bó cao khô; giã, rang khẩu sli; chẻ lạt tre, đan một số đồ dùng…rất thú vị.

2. Điều kiện phục vụ phát triển du lịch.

2.1. Dân số.

Văn Quan là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, thành phần dân tộc gồm: Tày, Nùng, Kinh, Hoa. Theo kết quả thống kê của Chi Cục Thống kê, dân số của huyện Văn Quan khoảng 56.413 người, trong đó: nữ là 28.197 người (Chiếm 50%), nam là 28.216 người; dân số thành thị 4.627 người (Chiếm gần 8,2%), dân số nông thôn là 51.786 người. Mật độ dân số 103,2 người/km2. Năm 2017, Văn Quan có 14.545 hộ, trong đó nhân khẩu nông nghiệp có 51.786 người (Chiếm 91,8%), còn lại là nhân khẩu phi nông nghiệp. Dân cư phân bố chủ yếu dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trung tâm thị trấn, thị tứ, trung tâm xã, các điểm chợ...

2.2. Mạng lưới giao thông.

Trong những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, qua các nguồn và hình thức đầu tư, hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã trên địa bàn được cải thiện đáng kể, số xã có đường giao thông đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa là 17/17 xã, thị trấn. Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường ngõ xóm được triển khai thuận lợi.

Tuyến quốc lộ: Huyện Văn Quan có 2 quốc lộ chạy qua là Quốc lộ 1B và Quốc lộ 279. Tổng chiều dài quốc lộ đi qua địa bàn huyện là 50 km.

Tuyến tỉnh lộ: Toàn huyện có 6 tuyến tỉnh lộ. Cụ thể như sau:

- Tuyến tỉnh lộ 240 (Ba Xã - Chợ Bãi) có chiều dài 9,6km.

- Tuyến tỉnh lộ ĐT 240A (Bản Giềng - Đèo Cướm) có chiều dài 12km.

- Tuyến tỉnh lộ 232 (Na Sầm - Điềm He) có chiều dài 29km, trong đó phần đi qua địa bàn huyện dài 18km.

- Tuyến tỉnh lộ ĐT 239 (Pác Ve - Điềm He) có chiều dài 23,4km, trong đó phần đi qua địa bàn huyện dài 20km.

- Tuyến tỉnh lộ 235B (Khánh Khê - Bản Loỏng) có chiều dài 15km, trong đó phần đi qua địa bàn huyện dài 11,5km.

- Đường Tu Đồn - Hoà Bình - Bình La - Gia Miễn. Điểm đầu tại km30+500 QL 1B, điểm cuối giáp với xã Bình La, chiều dài 12km. Đoạn Tu Đồn - Hoà Bình dài 5,3km.

Tuyến Huyện lộ và đường nội thị: Tại huyện Văn Quan có 8 tuyến đường huyện, gồm:

- Đường Bản Làn - Tràng Các có chiều dài tuyến là 16km.

- Đường Liên Hội có chiều dài tuyến là 3,0km.

- Tuyến đường Điềm He có chiều dài tuyến 5,0km.

- Tuyến đường Thị trấn - Pác Kéo có chiều dài tuyến 10km.

- Đường Vĩnh Lại - Pác Kéo có chiều dài tuyến 8,0km.

- Đường Nà Thang - Pá Hà có chiều dài tuyến 12km.

- Đường Tân Đoàn - An Sơn có chiều dài tuyến 8km.

- Đường Tri Lễ - Hữu Lễ có chiều dài tuyến là 6,0km.

2.3. Hệ thống điện.

Mạng lưới điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân được quan tâm đầu tư. Đến nay có 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt trên 98%. Tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân khoảng 17.536,915 Kwh/năm chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt chiếm trên 70% còn lại là công nghiệp xây dựng, nhà hàng... điện phục vụ sản xuất kinh doanh công nghiệp TTCN chỉ chiếm 10%/năm.

2.4. Hệ thống bưu chính, viễn thông.

Mạng lưới bưu chính của huyện gồm có 01 bưu cục cấp 2; 02 bưu cục cấp 3 và có 19 điểm bưu điện văn hóa xã, bán kính phục vụ bình quân 2,98 km. Mạng Bưu chính viễn thông rộng khắp. Mạng Internet đã được phủ sóng đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân.

2.5. Hệ thống chợ.

Trên địa bàn huyện hiện có 8 điểm chợ chính gồm: Chợ trung tâm Thị trấn Văn Quan, chợ Ba Xã - xã Tân Đoàn, Chợ Bãi - xã Yên Phúc, chợ Bản Châu - xã Tri Lễ, chợ Điềm He- xã Điềm He, chợ Lương Năng - xã Lương Năng, chợ Khánh Khê - xã Khánh Khê, chợ Phai Khang - xã Liên Hội. Nhìn chung, mạng lưới chợ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hoá của người dân trên địa bàn. Chợ vừa là trung tâm giao lưu hàng hóa cũng vừa là nơi thể hiện nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có trung tâm thương mại hay siêu thị mà chủ yếu là các cửa hàng bán lẻ của các hộ gia đình.

2.6. Cơ sở dạy nghề.

Huyện Văn Quan hiện nay có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện và 17 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn. Nhìn chung hoạt động dạy nghề chủ yếu là phục vụ cho đối tượng lao động nông thôn với những nghề gắn với sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là chính, chưa có cơ sở đào tạo, dạy nghề về du lịch.

2.7. Cơ sở hạ tầng ngành y tế.

Mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và tăng cường cả về trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế. Cả huyện có 18 cơ sở y tế: Bệnh viện đa khoa huyện đã được đầu tư xây dựng với quy mô trên 70 giường bệnh và đưa vào sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị. Trạm Y tế các xã, thị trấn cũng được đầu tư, 17/17 xã, thị trấn đều có trạm và bố trí đủ các phòng chức năng theo phân tuyến và hoạt động có hiệu quả, trang thiết bị được cung cấp khá đầy đủ. Tuy nhiên, do Văn Quan chưa đón khách du lịch đến thăm nên dịch vụ y tế phục vụ khách du lịch chưa được hình thành./.