A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đi đúng trong việc nuôi cá lồng trên sông bằng lồng treo tại huyện Văn Quan.

Để đảm bảo cho việc phát triển nuôi chăn nuôi cá lồng bền vững về kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu cá lồng, thời gian qua huyện Văn Quan đã tuyên truyền các hộ chăn nuôi cá lồng chuyển đổi từ lồng lưới quây sang lồng nổi, lưới treo. Qua triển khai thực hiện, việc nuôi cá bằng lồng treo trên sông đã đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, bảo đảm cho các loại cá phát triển tốt, tránh được lũ lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ nuôi cá lồng trên sông thị trấn Văn Quan nuôi cá bằng lồng treo.

Từ năm 2019, UBND huyện Văn Quan đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn thay thế lồng quây bằng lồng nổi hay thường gọi là lồng treo. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 219 lồng quây sang lồng treo, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường, nguồn nước.  

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực và chủ động trong việc tham mưu các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về việc nuôi cá lồng, đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông tỉnh trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về việc phát triển nuôi cá lồng. Hiện nay cơ bản lồng nuôi cá trên địa bàn huyện, được bà con tích cực chuyển đổi sang lồng nuôi lồng nổi rất thuận tiện cho công tác quản lý chăm sóc, đặc biệt là phát huy tốt trong việc phòng chống thiên tai khi mùa mưa bão đến, trong việc di chuyển đưa lồng cá về nơi an toàn tốt hơn so với lồng quây. Cơ bản các lồng nổi đã được bà con phát huy tốt các tính năng và bước đầu đảm bảo an toàn trong việc nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Văn Quan.

Toàn huyện Văn Quan hiện có hơn 100 hộ nuôi cá lồng trên sông với tổng số 222 lồng cá, các loại cá chủ yếu là trắm cỏ, trắm đen, chép, mè. Nghề nuôi cá lồng chủ yếu tập trung tại thị trấn Văn Quan với diện tích gần 4.800m3 mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Trên cơ sở chỉ đạo định hướng phát triển du lịch của huyện, UBND thị trấn Văn Quan đã ban hành thông báo tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chăn nuôi cá lồng trên địa bàn chuyển đổi từ lồng lưới quây sang lưới treo được làm bằng vật liệu chắc chắn là hệ thống lồng nổi bằng khung kẽm, đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Các hộ thực hiện nuôi cá bằng lồng lưới treo được bố trí đúng vị trí theo Phương án quy hoạch vị trí nuôi; được tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người dân sử dụng lồng treo để nuôi cá dễ chăm sóc cá và đem lại hiệu quả kinh tế.

Ông Mã Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: thực hiện kế hoạch chuyển đổi lồng quây sang lồng treo, UBND thị trấn đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện, huy động cán bộ công chức ngày Thứ 7, Chủ nhật xuống giúp các hộ dân để tháo dỡ lồng quây. Từ khi tuyên truyền các hộ nuôi cá thực hiện nuôi bằng lồng treo, đã đem lại hiệu quả thiết thực: Thứ nhất là phòng chống mưa lũ sẽ đảm bảo an toàn hơn và thứ 2 thuận lợi cho người dân trong quá trình chăn nuôi cá, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trên dòng sông thị trấn Văn Quan.

Theo nhiều người nuôi cá lồng ở thị trấn Văn Quan, với thời gian nuôi từ 15 đến 16 tháng, năng suất trung bình đạt từ 1,8 - 3 kg/con. Đặc biệt khi sử dụng lồng nổi, lồng treo để nuôi cá năng suất, sản lượng tăng lên, ước đạt 30 - 34 tấn/hộ/năm.  Do cá lồng tại huyện Văn Quan được nuôi trong môi trường nước sông sạch, chủ yếu ăn cỏ và hạt ngô nên chất lượng thịt thơm ngon hơn so với nhiều nơi khác, vì vậy giá cá lồng luôn cao hơn các loại cá cùng loại bán trên thị trường, giá bán ổn định từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ nuôi cá.

Bà Trần thị Hạnh, phố Đức Hinh, Thị trấn Văn Quan cho biết: Gia đình đã nuôi cá từ lâu, từ khi sử dụng nuôi sang lồng treo thì thấy cá ít dịch bệnh hơn, hiệu quả hơn, chăm sóc cá tốt hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình nhiều hơn. 

Với sự chủ động của các cấp, ngành trong chuyển đổi hình thức chăn nuôi cá lồng, năng suất cũng như chất lượng cá lồng của huyện đã và đang từng bước được nâng lên. Qua đó, góp phần phát triển bền vững hoạt động nuôi cá lồng, giúp người dân phát triển kinh tế. Sản phẩm “Cá lồng Văn Quan” đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, cùng với những công cụ quản lý được thiết lập, góp phần đưa sản phẩm cá lồng của huyện Văn Quan ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương nói chung và những người chăn nuôi cá lồng nói riêng.

HOÀNG HIỀN - XUÂN TÙNG

Trung tâm VHTT và TT Văn Quan

 


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 2
Hôm nay : 391
Trong tháng : 15.837
Tất cả : 105.221