LỄ HỘI THỒNG LẠC, XÃ TRI LỄ
Ngày 21/02 ( tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại cánh đồng lớn thuộc thôn Nà Chuông, xã Tri Lễ diễn ra Thồng Lạc. Đây là lễ hội được UBND huyện Văn Quan chọn làm điểm để khôi phục và phát huy những nét bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Xưa kia Lễ hội Thồng Lạc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm tại thôn Nà Chuông, xã Tri Lễ. Lễ hội thường được tổ chức giữa một cánh đồng, gồm có phần lễ và phần hội.
Toàn cảnh lễ hội nhìn từ trên cao
Toàn cảnh lễ hội nhìn từ trên cao
Vào ngày tổ chức lễ hội, mỗi gia đình trong bản đều chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mỗi mâm lễ được bài trí đẹp mắt, chứa đựng những sản phẩm nông nghiệp do dân bản làm ra. Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất, Thần Nông đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện được sự giao hòa của trời đất. Sản vật là các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh khảo, gà thiến luộc, chè lam, bánh bỏng, khẩu sli…
Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt do các Pú mo tiến hành. Trước tiên, Pú mo xin báo cáo thần linh, một năm qua dân bản tích cực lao động sản xuất, đã có được một vụ mùa thắng lợi; xin thần linh phù hộ và độ trì cho dân bản một mùa sản xuất mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu; xin thần linh xua đuổi những tà khí, đuổi bọn ác thần không về quấy rầy dân bản. Sau khi khấn xong, Pú mo cầm nắm thóc vãi xuống đất và rẩy ít nước lên trời. Lời khấn thống thiết, động tác vãi hạt thóc, rẩy nước... cốt yếu cầu mong có được một mùa sản xuất tốt, dân bản được no ấm.
Trong lễ hội lồng tồng không thể thiếu màn múa sư tử. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng quan niệm rằng sư tử là con vật có thật trong tự nhiên, là chúa sơn lâm - vua của các loài vật, thể hiện cho sức mạnh của tự nhiên, tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, sự khéo léo, dũng cảm, tài nghệ phi thường; sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó. Bởi vậy sự xuất hiện của sư tử đầu năm mới là sự khởi đầu của mọi điềm lành, biểu hiện của thiên hạ thái bình. Do vậy, múa sư tử sẽ xua đuổi được tà ma, diệt mọi ôn dịch, giúp sản xuất, chăn nuôi, làm ăn dễ dàng, đời sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, bội thu và niềm tin vào một năm mới sung túc. Trò múa sư tử thường gồm các điệu: Điệu múa chào thần thánh; điệu múa vui hội; trò vui của khỉ; trò sư tử đẻ con; trò múa sư tử bị giết; trò chồng người.
Màn múa sư tử đặc sắc tại lễ hội
Đại biểu và Nhân dân tại lễ hội
Đại biểu và Nhân dân tại lễ hội
Sau màn múa sư tử là các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc được tổ chức như tung còn, kéo co, cờ người, đánh yến, đánh quay…
Trong lễ hội lồng tồng xưa, trò chơi kéo co được tổ chức thi theo làng, cũng có khi chia phe kéo co theo địa giới nguồn nước, phe phía đầu nguồn nước kéo thi với phe hạ nguồn nước. Theo tục lệ, phe phía thượng nguồn là phải thắng, có được như vậy thì năm đó làng mới đủ nước cày, cấy, đủ no và dư dật.
Theo phong tục xưa, trò chơi tung còn chia làm 2 bên nam- nữ. Nam đứng bên mặt dán giấy đỏ của vòng còn (phía đông) và nữ đứng bên mặt dán giấy vàng của vòng còn (phía tây). Người ta tin rằng, tung còn là để trời đất giao hoà, âm dương kết hợp đem lại bình an, phúc lộc cho dân làng. Vì thế hãy cố tung còn sao cho trúng đích. Nếu ai ném thủng vòng còn sẽ được thưởng. Và quả còn đó sẽ được ông mo bóc ra lấy hạt bông hay hạt ngô, đỗ, đậu nhồi trong quả còn trộn với thúng thóc rang rồi tung vào đám người dự hội. Mọi người ai nấy đều giơ vạt áo ra hứng, hứng được càng nhiều thì tin rằng năm mới mình sẽ gặp nhiều may mắn.
Tại lễ hội Thồng Lạc, du khách còn được thưởng thức những tiết mục hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước đổi mới, làn điệu hát then, sli, lượn đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, tung còn, bịt mắt đánh trống.
Du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ và tham gia trò chơi dân gian tại lễ hội
Du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ và tham gia trò chơi dân gian tại lễ hội
Lễ hội được tổ chức nhằm góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong Nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đồng thời quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống và con người Văn Quan đến Nhân dân và du khách./.
Kim Loan – Xuân Tùng