HUYỆN VĂN QUAN CÓ 04 ĐIỂM THAM QUAN TRONG TUYẾN DU LỊCH CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT LẠNG SƠN.
Là huyện có 4 điểm tham quan trong tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn (gồm: Bãi đá nhảy, Vị thuốc chữa lành, xã Điềm He; Rừng hồi xứ Lạng xã An Sơn; Nhà thờ họ Hà thổ ty, xã Bình Phúc), thời gian qua, huyện Văn Quan đã tích cực triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển các địa điểm này, trong tương lai, đây sẽ là những điểm lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Với chủ trương xây dựng hoàn thiện hạ tầng tại các điểm tham quan Công viên địa chất, phục vụ cho công tác đón đoàn thẩm định của UNESCO, UBND huyện Văn Quan đã phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn và đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát thực tế để xây dựng phương án thiết kế cảnh quan tại 04 điểm tham quan.
Bãi đá nhảy trên đỉnh Đèo Lùng Pa.
Bãi đá nhảy trên đỉnh Đèo Lùng Pa thuộc địa phận thôn Trung Kiên, xã Điềm He, huyện Văn Quan, là điểm số 12 trên tuyến du lịch số 2 của Công viên địa chất Lạng Sơn với chủ đề “Hành trình về miền thiên giới”. Tại đây du khách có thể quan sát thấy đá vôi màu xám đen, phân lớp mỏng đến trung bình với mặt phần lớp dạng răng cưa đặc trưng, cấu tạo hạt đậu, trứng cá, chứa phong phú hóa thạch, kích thước 1-3cm. Đá vôi chuyển tiếp chỉnh hợp trên các đá lục nguyên-phun trào a xít và dưới các trầm tích lục nguyên, tất cả cùng được hình thành trong điều kiện biển nông khoảng 230 triệu năm trước. Nét đặc biệt ở đây là các tập đá vôi mặc dù nằm thoải nhưng lại bị gãy đổ lổn nhổn tạo nên một “Bãi đá nhảy” đẹp, có thể dễ dàng len lỏi qua để trèo lên đến đỉnh, nơi du khách có thể quan sát toàn bộ cảnh quan hùng vĩ xung quanh.
Thời gian qua, khu vực đỉnh Đèo Lùng Pa đã được cải tạo và trở thành một địa điểm dừng chân của Nhân dân và du khách. Hiện nay, tại khu vực “Bãi đá nhảy” đã xây dựng một cột cờ Tổ quốc có biểu tượng là hình ảnh cây đàn tính, mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng huyện Văn Quan. Liền kề với Bãi đá nhảy là Khu trưng bày, giới thiệu hàng nông sản huyện Văn Quan do Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Lạng Sơn đầu tư xây dựng.
Khu trưng bày và giới thiệu hàng nông sản huyện Văn Quan tại Đỉnh đèo Lùng Pa, là địa điểm có không gian trưng bày các sản phẩm từ Hoa Hồi và máy chưng cất Hồi.
Điểm tham quan Vị thuốc chữa lành thuộc thôn Trung Kiên, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, là điểm số 13 trên tuyến du lịch số 2 của Công viên địa chất Lạng Sơn với chủ đề “Hành trình về miền thiên giới”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan thực tế điểm tham quan Vị thuốc chữa lành, thôn Trung Kiên, xã Điềm He.
Đây là địa điểm có không gian trưng bày các sản phẩm từ hoa Hồi và máy chưng cất quy mô hộ gia đình để thực hiện quy trình sản xuất, chưng cất tinh dầu hồi của đồng bào Tày, Nùng huyện Văn Quan.
Với công nghệ tiên tiến hiện nay, ngay cả thân cây hồi già, cành và lá hồi cũng có thể chưng cất lấy dầu. Hoa hồi và tinh dầu hồi được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như làm thuốc đông y, làm gia vị cho các món ăn.
Thành phần chủ yếu của sản phẩm là tinh dầu hoa hồi hữu cơ. Tinh dầu hồi được dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm; dùng để xoa bóp, xông hơi và dùng trong các trường hợp ho, cảm cúm. Tinh dầu hồi có tác dụng trong trừ phong, trừ cảm, giảm đau, tụ huyết, côn trùng đốt, cầm máu các vết thương.
Trung bình hằng năm các cơ sở tinh dầu hồi trên địa bàn huyện sản xuất được trên 10.000 lít tinh dầu hồi và sản xuất theo nhu cầu của thị trường, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên địa bàn trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu.
Bãi đá nhảy trên đỉnh Đèo Lùng Pa và Vị thuốc chữa lành, là hai trong số các địa điểm tham quan lý tưởng của Công viên địa chất, vừa là nơi để du khách dừng chân tham quan chụp ảnh và là địa điểm mua sắm các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, quà lưu niệm khi đến thăm Văn Quan
“Rừng hồi Xứ Lạng” thuộc địa phận thôn Bình Đãng A, xã An Sơn, huyện Văn Quan, đây là điểm số 14 trên tuyến du lịch số 2 của Công viên địa chất Lạng Sơn với chủ đề “Hành trình về miền thiên giới”, với quy mô 07 hộ trồng, diện tích khoảng gần 04ha hồi.
Đại diện lãnh đaọ huyện Văn Quan chụp ảnh cùng Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định Công viên địa chất Lạng Sơn tại điểm tham quan “Rừng hồi Xứ Lạng”, xã An Sơn.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn đến tham quan thực tế tại “Rừng hồi Xứ Lạng” thuộc địa phận thôn Bình Đãng A, xã An Sơn.
Cây hồi đã được xác định là cây lâm nghiệp đặc trưng và là sản phẩm chủ lực của huyện Văn Quan, được người dân quan tâm gây trồng, chăm sóc, bảo vệ Cây hồi mỗi năm thu hoạch 02 vụ: vụ hồi chính bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch); hồi trái vụ (hồi tứ quý) từ tháng 3 đến tháng 4. Quả hồi hiện nay được người dân thu hái bằng phương pháp thủ công (thu hái bằng tay). Các sản phẩm từ hồi hiện nay chủ yếu là: hồi tươi, hồi khô, tinh dầu hồi, cao hồi.
Thời gian qua, huyện Văn Quan đã tiến hành xây dựng hoàn thiện hạ tầng tại điểm tham quan Rừng hồi xứ Lạng như đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, xã hội hóa về nguyên vật liệu cũng như nhân lực để cải tạo cảnh quan với 02 chòi nghỉ chân và con đường đi bộ lên rừng hồi, tổng chiều dài gần 100m.
Nhà thờ họ Hà Thổ ty toạ lạc tại giữa cánh đồng thuộc thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, là điểm số 20 trên tuyến du lịch số 3 của Công viên địa chất Lạng Sơn với chủ đề “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”. Nhà thờ họ Hà Thổ ty thờ quan Đề đốc Ninh Xuyên Quận công Hà Hạc vốn xuất thân từ Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Nhà thờ có cây gia phả ghi lại thân thế, sự nghiệp của các thành viên trong dòng họ, đến nay đã được hơn 25 đời, nhiều người trong số đó sau này cũng giữ những vị trí quan trọng trong triều đình.
Nhà thờ họ Hà Thổ ty toạ lạc tại giữa cánh đồng thuộc thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc.
Để tiếp tục triển khai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điểm tham quan Công viên địa chất, UBND huyện Văn Quan vẫn đang tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng điểm tham quan Rừng hồi Xứ Lạng; phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Lạng Sơn đầu tư cải tạo cảnh quan theo bản thiết kế phối cảnh, phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn và đơn vị tư vấn triển khai thiết kế cải tạo cảnh quan, xây dựng bảng biển thuyết minh, chỉ dẫn các điểm tham quan trên địa bàn. Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, chủ sở hữu 04 điểm tham quan Công viên địa chất tiếp tục đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp./.
HOÀNG HIỀN - XUÂN TÙNG - ĐỨC TÔN
Trung tâm VHTT và TT Văn Quan