A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi cây trồng đúng hướng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình

Đó là anh Hứa Viết Ngân, sinh năm 1992, thôn Khun Pàu, xã Điềm He, huyện Văn Quan. Anh là người tiên phong đưa giống Hồng vành khuyên về trồng trên đất Văn Quan và phát triển mô hình trồng Hồng vành khuyên đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, nhiều năm trước đây gia đình anh thuộc hộ cận nghèo, chủ yếu trồng ngô, sắn thu nhập bấp bênh, cũng chính từ cái nghèo đói đó đã thôi thúc anh có ý chí, nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, qua tìm hiểu, thăm quan các mô hình kinh tế, anh nhận thấy mô hình trồng Hồng vành khuyên tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng rất phát triển, anh đã suy nghĩ tận dụng điều kiện đất đai của gia đình đưa giống cây này vào trồng. Năm 2015, anh đã dùng số tiền tích góp được để mua 200 cây giống về trồng thử nghiệm. Ban đầu, anh chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc và xử lý sâu bệnh nên cây hồng còi cọc, kém phát triển. Anh Hứa Viết Ngân, thôn Khun Pàu, xã Điềm He, huyện Văn Quan, tâm sự: Mới đầu tôi cũng không biết trồng cây gì phát triển kinh tế  có hiệu quả, cũng đi tìm tòi học hỏi ở Tân Mỹ, Văn Lãng, được bạn chia sẻ kinh nghiệm, tôi lấy về trồng thử 100 đến 200 cây trước, thấy hợp đất sau đó mới mở rộng ra thêm mấy trăm cây nữa, đến bây giờ có khoảng 1.000 cây, cây trồng trước được khoảng 6 đến 7 năm, mỗi cây được 30 đến 40kg, cây nhỏ được 4 đến 5kg, chủ yếu bán buôn, thương lái vào đến nhà thu mua. 

Anh Hứa Viết Ngân, chăm sóc vườn cây Hồng vành khuyên

Anh Hứa Viết Ngân, chăm sóc vườn cây Hồng vành khuyên

Nhận thấy cây Hồng Vành khuyên hợp thổ nhưỡng và khí hậu trên đất đai, cho sai nhiều quả và có giá trị kinh tế cao, năm 2017, anh Ngân tiếp tục mở rộng diện tích trồng hồng vành khuyên, đến nay đã có hơn 1.000 cây. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả hồng, anh đã áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VIETGAP, tuân thủ quy trình kỹ thuật từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, bảo quản và có sổ ghi chép nhật ký chăm sóc hằng ngày, anh Hứa Văn Chung, thôn Khun Pàu xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Tôi cũng được đồng chí Ngân truyền kinh nghiệm cho về kỹ thuật phun thuốc và chăm sóc, cách bón phân cho cây đậu quả nhiều, hiện tại gia đình đang có 3ha hồng vành khuyên, nhiều cây đã được thu hoạch, tới này gia đình sẽ trồng hết diện tích còn lại.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Ngân còn quan tâm xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho quả hồng vành khuyên của mình. Sau các bước triển khai, thực hiện, tháng 11/2023, sản phẩm hồng vành khuyên của anh đã được UBND huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, được nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho 3ha Hồng sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Qua đó, tạo thương hiệu, mở rộng thị trường, góp phần vào sự đa dạng sản phẩm đặc trưng của huyện.

Hồng vành khuyên là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao

Hồng vành khuyên là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao

Nhờ sự cần cù và chịu khó, đến nay Gia đình đã trồng được hơn 3ha cây Hồng Vành khuyên, với hơn 1.000 cây, hiện đã cho thu hoạch trên 15 tấn/năm, cho thu nhập khoảng 230.000.000đ/năm. Mô hình của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 8.000.000đ/người/tháng. Đồng chí Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He, huyện Văn Quan, khẳng định: trong những năm qua cấp ủy chính quyền địa phương xã Điềm He, luôn quan tâm đến các mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt là mô hình trồng hồng vành khuyên Hứa Viết Ngân tại xóm Khun Lệ, thôn Khun Pàu, ban đầu hộ cũng tự tìm tòi mang cây Hồng vành khuyên vào sản xuất, qua đánh giá và rà soát thấy mô hình Hồng vành khuyên của hộ gia đình rất có hiệu quả, đáng để nhân rộng trong thôn, xóm; được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tỉnh Lạng Sơn vào khảo sát và có nguồn vốn hỗ trợ về kỹ thuật, nhãn mác, bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn VIETGAP. Từ đó cũng đã thành lập tổ hợp tác có 8 hộ trong thôn để tham gia, tổng kết mô hình VIETGAP trên địa bàn xã mang lại hiệu quả kinh tế, đem thương hiệu Hồng vành khuyên của xã Điềm He tiêu thụ trên địa bàn huyện cũng như trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh lân cận. Để phát triển các mô hình sản xuất UBND xã tiếp tục quan tâm các chế độ chính sách hỗ trợ động viên bà con Nhân dân trên địa bàn nhân rộng các mô hình trên địa bàn xã Điềm He để góp phần cho bà con Nhân dân phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho công dân có thu nhập ổn định.

Mạnh dạn trong phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất với mô hình trồng Hồng vành khuyên, đây là mô hình phát triển kinh tế mới phù hợp với điều kiện tự nhiên ở huyện và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền và nhân rộng mô hình trồng Hồng vành khuyên tại các xã, thị trấn để tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thực hiện tốt công tác xóa giảm nghèo trên địa bàn huyện.

                                 Ngọc Khoa - Xuân Tùng


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 1
Hôm nay : 357
Trong tháng : 15.803
Tất cả : 105.187