A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SỨC VƯƠN CỦA HƯƠNG HỒI XỨ LẠNG

 Huyện Văn Quan được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng một số cây lâm nghiệp lâu năm, đặc biệt là cây Hồi, huyện đã có truyền thống trồng Hồi hàng trăm năm, cây Hồi cũng được xác định là cây chủ lực của huyện với diện tích gần 15.000ha, chiếm gần 1/2 tổng diện tích Hồi toàn tỉnh. Cây Hồi với chuỗi giá trị đa dạng tạo ra nhiều dòng sản phẩm, chiếm vị trí then chốt không chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch mà còn góp phần tích cực vào quá trình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Cây Hồi phát triển tốt ở vùng núi thấp và trung bình, độ cao từ 400 đến 800m so với mặt biển. Theo các nhà khoa học nghiên cứu, Hồi Lạng Sơn nói chung và huyện Văn Quan nói riêng, được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao và đặc biệt trong tinh dầu không có thành phần gây hại cho sức khỏe con người. Trải qua quá trình phát triển, kế thừa truyền thống trồng Hồi hàng trăm năm, huyện Văn Quan được coi là thủ phủ cây Hồi của tỉnh Lạng Sơn, theo kinh nghiệm của người dân dựa vào thiên nhiên để trồng Hồi ở các triền đồi núi, rừng trồng Hồi chỉ cần phát bằng, không cần phát quang, vì cây Hồi lúc mới trồng ưa bóng râm, phát triển rất nhanh, thời vụ trồng tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa mưa, cây Hồi chịu được nhiệt độ xuống thấp, chỉ cần trồng 1 lần và cho thu hoạch cả mấy chục năm, cây trồng được 5 năm bắt đầu có quả, mỗi năm 2 vụ, Hồi vụ mùa thu hái vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, Hồi tứ quý thu hái từ tháng 12 cho đến tháng 2 năm sau, sau mỗi lần thu hoạch, cần làm cỏ, vun gốc và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, quá trình thu hái và sơ chế Hồi hoàn toàn tự nhiên, Hồi ủ và phơi nắng khô màu vàng đẹp, có mùi hương đặc trưng và luôn giữ được độ tươi mới. Bà Triệu Thị Vanh, thôn Khòn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi có tầm 2ha rừng Hồi, mỗi năm thu nhập khoảng 3 đến 4 tấn, Hồi trồng được hơn 30 năm, giá cả thị trường bấp bênh quá, bây giờ chúng tôi mong muốn giá cả ổn định, gia đình tôi có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình.

Trước đây Hồi khô và tinh dầu Hồi chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc, một phần nhỏ được tiêu thụ trong nước, do thời điểm đó chưa có yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mặt khác giá cả không ổn định, làm ảnh hưởng tới tâm lý của các hộ trồng cũng như người kinh doanh thu mua Hồi. Trong những năm gần đây Viện Công nghệ thực phẩm Việt Nam, nghiên cứu cho thấy Hồi được trồng ở huyện Văn Quan có các chỉ số hàm lượng tinh dầu, hàm lượng trans athenole đều đạt và vượt trội so với sản phẩm cùng chủng loại ở địa phương khác. Do đó năm 2007, Chỉ dẫn địa lý Hoa Hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ. Tiếp đó, ngày 01/8/2020, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thực thi, trong đó, hoa Hồi Lạng Sơn nằm trong danh mục 39 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Tiểu mục 3 (Chỉ dẫn địa lý) Chương 12, được EU công nhận theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 của Hiệp định TRIPS. Từ đó Hồi Văn Quan từng bước khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Tây Á và Trung Đông…

Rừng Hồi hữu cơ tại xã Bình Phúc huyện Văn Quan

Toàn huyện có trên 31.231ha diện tích rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện năm 2023 lên 61,6%, trong đó diện tích rừng Hồi có trên 14.500ha, có khoảng 11.000ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt từ 2 đến 2,5tấn/ha, sản lượng đạt từ 20 đến 30 nghìn tấn Hồi tươi, thu nhập ước đạt từ Hồi hằng năm khoảng 700 tỷ đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo từ 26,17% năm 2018 xuống còn 10,64% năm 2023. Theo kinh nghiệm truyền lại, lấy nguồn giống từ ươm hạt Hồi già, nhờ áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm thay đổi nhận thức của bà con, cải thiện rừng Hồi già và mở rộng diện tích trồng Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ông Vi Văn Hải Thôn Bản Cưởm xã Bình Phúc, huyện Văn Quan nói: Từ khi còn nhỏ và lớn lên tôi đã thấy các ông cha trồng từ ngày xưa, năng suất thấp. Từ khi được tập huấn canh tác cây Hồi theo hướng hữu cơ, tôi thấy năng suất cây Hồi được nâng lên, cây Hồi mọc tán được rộng hơn, mỗi năm được thu hoạch 2 vụ Hồi, những cây trồng được khoảng 20 năm, sản lượng khoảng 4 đến 5 tấn/1ha, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình tôi và cả bà con ở trong làng này.

         Cây Hồi với chuỗi giá trị đa dạng đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại EU, tinh dầu Hồi là nguyên liệu quý được sản xuất làm thuốc xoa bóp, đồ mỹ phẩm, hương liệu làm bánh, gia vị công thức nấu ăn. Ở Phương Tây, tinh dầu Hồi được cho vào một số loại rượu vang, làm hương vị các món tráng miệng và món nướng. Trong y dược, hoa Hồi giúp cho việc kích thích hệ tiêu hóa, điều trị giảm đau, trong y học dầu Hồi được sử dụng làm nguyên liệu để điều chế Tamiflu là thuốc đặc trị các bệnh cúm A/H1N1, H5N1, H3N2, một số cơ sở chế biến tinh dầu Hồi được hình thành, tạo tiền đề để huyện tập chung thu hút dự án đầu tư chế biến Hoa Hồi với tiêu chuẩn và chất lượng cao hơn, nên cánh cửa mở ra cho sản phẩm Hồi là rất lớn, Hồi Văn Quan từng bước khẳng định được danh tiếng, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, giá trị hàng hoá của sản phẩm cũng ngày càng tăng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất và kinh doanh Hồi trên địa bàn. Ông Nông Văn Tú, xã Bình Phúc huyện Văn Quan nói: Theo nghề ông cha để lại, tận dụng tiềm năng, nguyên liệu sẵn có của quê hương là cây Hồi, tôi thu mua từ các hộ nông dân để trưng cất sản phẩm tinh dầu Hồi, sản phẩm sạch sẽ, hoàn toàn từ thiên nhiên, tinh dầu Hồi đủ tiêu chuẩn 4 sao chất lượng rất tốt.

Bà con trên địa bàn huyện Văn Quan đang hái quả Hồi tươi

 

Bà con trên địa bàn huyện Văn Quan đang phơi Hồi

Hiện nay tinh dầu Hồi huyện Văn Quan đạt tiêu chuẩn 4 sao, chủ yếu xuất bán sang các nước Châu Âu. Tuy nhiên sản lượng Hồi xuất khẩu sang Châu Âu chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu Hồi của toàn tỉnh. Để các sản phảm chế biến từ Hồi có mặt được trên thị trường EU, hoa Hồi phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng cũng như các rào cản về kỹ thuật trong thương mại, huyện sẽ tập trung làm tốt công tác quản lý, việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ông Chu Văn Chí, thôn Bản Cưởm, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Phương pháp chọn giống thì gia đình tôi lựa chọn cây quả to và cánh đều để trồng cho thu nhập cao hơn còn những cây có quả nhỏ sai ít thì gia đình tôi sẽ loại bỏ những cây không sai mấy và trồng vào đó là những cây phát triển và sai quả nhiều hơn cho năng suất rừng cao hơn. Trong năm tới tôi và gia đình dự định sẽ phát triển 02ha đất còn lại trồng theo phương pháp hữu cơ để cho gia đình tăng thu nhập cao và ổn định hơn.

Sản phẩm tinh dầu Hồi huyện Văn Quan đạt tiêu chuẩn 4 sao

Triển khai Dự án Nhà máy chế biến Hoa Hồi Lạng Sơn tại huyện Văn Quan

Hồi không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn tận dụng mùa hoa Hồi nở lộ tầm tháng 3, hoặc khi thu hoạch chính vụ vào tháng 8 những quả Hồi vàng óng lấp lánh trên cây ở các sườn đồi tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo, những cánh rừng Hồi bạt ngàn có thể trở thành những điểm du lịch khám phá, trải nghiệm, huyện cũng đã tiếp đón nhiều đoàn đến thăm quan, học tập mô hình trồng Hồi hưu cơ. Đặc biệt cuối năm 2022 huyện rất vinh dự được đón tiếp Đoàn công tác Ban Tuyên Giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn, cùng đi với đoàn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đã có buổi trải nghiệm trong rừng Hồi hữu cơ tại xã Bình Phúc, và khẳng định cây Hồi là tiềm năng thế mạnh của huyện Văn Quan, là cây xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ông Triệu Văn Hựu, Chủ tịch UBND xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, cho biết thêm: Trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã Tràng Phái, sản xuất nông lâm nghiệp trong đó cây chủ lực là cây Hồi, về diện tích Hồi hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 800ha, khoảng 600ha cho thu hoạch, năng suất sản lượng trung bình khoảng 1,5 đến 2 tấn/1 ha, thu gom và tiêu thụ Hồi chủ yếu các tư thương, HTX có năng lực phơi bán qua thị trường Trung Quốc, kết nối với thị trường Châu Âu nhưng rất ít. Trong thời gian tới mong muốn các doanh nghiệp cũng như các HTX thu mua tăng giá cả lên, thị trường tiêu thụ hoa Hồi với giá cả ổn định và có giá trị hơn. 

Đoàn công tác Ban Tuyên Giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn, đã có buổi trải nghiệm trong rừng Hồi hữu cơ tại xã Bình Phúc, huyện Văn Quan

Huyện Văn Quan với vai trò là vùng lõi, thủ phủ của Hồi được người dân trồng, chăm sóc từ các chế phẩm sinh học không gây hại, không sử dụng các sản phẩm phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học, để tinh dầu Hồi đảm bảo chất lượng, huyện đã thực hiện các giải pháp cải tạo rừng Hồi, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình canh tác, chế biến sản phẩm Hồi theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Năm 2017 năm 2018 Hồi Văn Quan đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ (Oganic) của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu chứng nhận sản phẩm Hồi đủ tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS) với tổng diện tích 324,58ha. Thông qua các dự án đầu tư trồng Hồi, một số diện tích rừng Hồi đã được chuyển đổi thực hiện trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 400ha, mục tiêu đến năm 2025 huyện sẽ nâng diện tích công nhận Hồi hữu cơ lên 800ha, về lâu dài sẽ xây dựng sản phẩm hữu cơ trên toàn bộ diện tích Hồi của huyện. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ, phát triển nâng cao sản lượng và chất lượng Hoa Hồi cũng như chế biến, tiêu thụ sản phẩm Hồi hướng đến mục tiêu bảo vệ thương hiệu, phát triển bền vững loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, đa tác dụng, xứng đáng với tiềm năng vốn có của nó. Đồng chí Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan khẳng định: Huyện Văn Quan với thế mạnh là cây Hồi, sản phẩm Hồi tiêu thụ sản phẩm thô, xuất thô. Giải pháp căn cơ nhất đối với Văn Quan rất trăn trở là xây dựng được nhà máy chế biến sâu sản phẩm Hồi, hiện nay dự án đã được tỉnh phê duyệt, nhà đầu tư đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, huyện hết sức nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai sớm dự án này, huyện được tham gia cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đi Châu Âu để xúc tiến sản phẩm nông sản, được tỉnh giao cho huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội gia vị Châu Âu, tổ chức hội thảo về xúc tiến sản phẩm hoa Hồi, chuẩn bị tốt nhất trong việc đưa được sản phẩm Hồi Văn Quan ra thị trường Châu Âu.

Phát huy tiềm năng thế mạnh đó, huyện tiếp tục mở rộng thị trường giàu tiềm năng ở các nước như; Bỉ, Ấn Độ; Mỹ, Pháp, Hà Lan, Châu Âu là một trong những châu lục có kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu trong việc chế biến và chiết xuất tinh dầu, tạo ra được các sản phẩm từ hoa Hồi đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt được điều đó cấp ủy chính quyền huyện Văn Quan đã tìm kiếm, gặp gỡ và kêu gọi các nhà đầu tư vào huyện để xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu Hồi, đồng thời cũng giúp người dân giải được bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm Hồi ổn định hơn. Dự án nhà máy chế biến Hoa Hồi Lạng Sơn là sự hợp tác, liên doanh, liên kết giữa bốn nhà: “nhà đầu tư - nhà lãnh đạo - nhà khoa học - nhà nông” để tiêu thụ các sản phẩm Hồi đã chế biến và nguyên liệu thô cho bà con vùng trồng Hồi sẽ là cơ hội cho người dân thêm động lực để mở rộng, phát triển trồng Hồi theo theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, cuối năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đồng ý chủ trương và ban hành Quyết định số 2262/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 về chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, Dự án Nhà máy chế biến Hoa Hồi Lạng Sơn tại khu đất thuộc thị trấn Văn Quan có tổng diện tích sử dụng đất là 82.770m2, với tổng vốn đầu tư là 1.133,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay. Dự án có công suất chế biến là 5.000 tấn hoa Hồi khô/năm trong đó dây truyền thiết bị sấy hoa Hồi có công suất 2.500 tấn hoa Hồi khô/năm, dây truyền thiết bị sản xuất tinh dầu Hồi có công suất 675 tấn/năm, dây truyền thiết bị sản xuất acid Shikimic 175 tấn/năm, dây truyền thiết bị sản xuất viên nén mùn gỗ có công suất 4.000 tấn/ năm; quy mô xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung có tổng diện tích là 2.592m2 bao gồm phân xưởng đóng gói, kho thành phẩm, phân xưởng sấy và tiếp nhận hoa Hồi tươi, phân xưởng chiết suất tinh dầu thô và sản xuất viên nén mùn gỗ, huyện đã hoàn thiện thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện, dự kiến đến năm 2025 dự án được chạy thử và chuyển giao công nghệ đưa Nhà máy vào vận hành. Hiện nay huyện Văn Quan đang chuẩn bị các điều kiện để trung tuần tháng 8/2024 tổ chức Lễ hội hoa Hồi tại huyện nhằm thu hút sự tham gia của người dân địa phương, du khách, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có cơ hội hợp tác, tìm hiểu và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư vào huyện, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những tiềm năng của địa phương, hướng tới phát triển bền vững giá trị kinh tế của cây Hồi.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham gia Hội thảo đưa được sản phẩm Hồi Văn Quan, Lạng Sơn ra thị trường Châu Âu

Tin rằng với chiến lược đúng đắn, xây dựng nhà máy chế biến hoa Hồi với quy mô lớn, chiết suất sâu tinh dầu Hồi, sẽ tạo được thương hiệu Hồi Văn Quan, Lạng Sơn với nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hoa Hồi cũng như tinh dầu Hồi trong nước và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Châu Âu./.

                                             NGỌC KHOA - ĐỨC TÔN - XUÂN TÙNG


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 6
Hôm nay : 298
Trong tháng : 11.626
Tất cả : 60.644