MỤC: DI TÍCH, DANH THẮNG
MỤC: DI TÍCH, DANH THẮNG
I. ĐIỂM DI TÍCH
1. Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri
Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là di tích lịch sử cấp Quốc gia (Theo Quyết định số 2233/1995/QĐ- BVH-TT ngày 06 tháng 6 năm 1995 của Bộ Văn hóa và Thông tin về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia).
+ Địa chỉ: Thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh.
+ Đặc điểm: Nhà lưu niệm là nơi sinh ra đồng chí Lương Văn Tri, nơi thăm viếng tưởng nhớ công lao, thân thế, sự nghiệp của người chiến sỹ cách mạng, người con ưu tú của tỉnh Lạng Sơn. Nhà lưu niệm có diện tích trên 100m2, được thiết kế 03 gian, xây bằng gạch chiên (Loại gạch bằng đất sét không nung). Các cửa sổ, cửa đi đều có khung bằng gỗ để làm bản lề giữ cửa. Về nghệ thuật đây là một loại hình kiến trúc nhà đất truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày ở Lạng Sơn.
(Nhà tưởng niệm đồng chí Lương Văn Tri tại thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn)
2. Di tích Hang Pác Ả - Kéo Vãng
Hang Pác Ả - Kéo Vãng thuộc phố Nà Lộc, thị trấn Văn Quan. Đây là hang đá tự nhiên, hang trên là hang Pác Ả, hang dưới là hang Kéo Vãng, cửa hang hướng Đông Nam. Hang được bảo tàng Lạng Sơn phát hiện năm 1998. Tại hai nền hang có rất nhiều dấu tích khảo cổ học (KCH) như: Vỏ ốc suối chặt đít, mảnh tước, đá công cụ... và đặc biệt tại hai hang này đã phát hiện được rìu mài nhẵn có vai và một số mảnh gốm. Di chỉ từng là nơi cư trú khá lâu của người tiền sử qua nhiều thế hệ khác nhau; sống cách ngày nay từ 4000 đến 3000 năm trước Công Nguyên thuộc thời đại hậu kỳ đá mới và nền văn hóa Mai Pha.
Hang Pác Ả có chiều sâu khoảng 18m. Cửa hang rộng 4m, cao 5m ăn thông nhau từ Đông Bắc sang Đông Nam. Hang Kéo Vãng cách hang Pác Ả khoảng 40m. Chiều dài từ ngoài vào trong hang khoảng 30m, có độ dốc lên cao khoảng 47o, trần hang cao từ 5 - 7m.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
3. Di tích Hang Rộc Mạ
Hang Rộc Mạ thuộc thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc. Đây là nơi hai lần tổ chức sự kiện Đại hội Đảng bộ huyện Điềm He (Nay là huyện Văn Quan): Lần thứ nhất tháng vào tháng 10/1947 và lần thứ hai vào tháng 7/1949. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới hang Rộc Mạ là kho đạn dược vũ khí của bộ đội công binh.
Hang Rộc Mạ còn là di tích Khảo cổ học được người Pháp phát hiện và công bố vào đầu thế kỷ XX. Hang Rộc Mạ có phần cửa rộng, vòm cao khoảng 20m. Tại đây quân đội ta xây tường đá bao quanh tạo tường thành khá lớn trong hang. Phía trong gần cửa hang được san bằng, láng nền và xây bậc khá bằng phẳng. Trong lòng hang có nhiều ngõ ngách và nhũ đá.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
Hang Rộc Mạ
4. Di tích Hang Phja Thạng (Bà Đầm)
Hang Phja Tạng thuộc thôn Phai Rọ - Lùng Mán, xã Tân Đoàn. Hang ở lưng chừng núi Phja Tang, đường lên xuống hang rất cao. Năm 1923, bà M.colani (Nhà KCH người Pháp) đã đào thám sát nhỏ thu thập được nhiều vỏ ốc suối, mảnh tước, rìu có vai và đồ gốm. Năm 1993, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lạng Sơn và Viện KCH Việt Nam cũng đã lên thám sát hang và cũng thu thập được một số di vật: Ốc suối, đá công cụ... và đồ gốm.
Di tích là một hang đá tự nhiên nằm trên lưng chừng núi. Hang sâu 25m, có độ dốc khoảng 15o cao dần từ ngoài vào trong, trần thấp, đáy có lớp trầm tích lắng đọng khá cứng.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
Hang Phja Thạng
5Hang Phja Thình
Hang Phja Thình thuộc thôn Phai Rọ - Lùng Mán, xã Tân Đoàn.
Ngày 24 tháng 8 năm 1945, tại hang Phja Thình, thôn Phai Rọ, xã Vân Nham (Nay là xã Tân Đoàn), đồng chí Phan Minh Tuệ đặc phái viên của Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy lâm thời, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời đã tiến hành cuộc họp để quyết định ngày giải phóng tỉnh Lạng Sơn.
Đây cũng là một di tích khảo cổ. Các di vật tìm thấy trong hang gồm: ốc ruộng, ốc suối, ốc biển, mảnh tước, mảnh rìu, mảnh gốm, xương răng di cốt người và động vật…
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
6. Hang Bản Háu
Hang Bản Háu thuộc thôn Bản Háu, xã Tràng Phái.
Di tích hang Bản Háu được hai nhà Sử học và Khảo cổ học người Pháp là H.Mansuy và M.Colani phát hiện vào những năm 1923 - 1924. Tại hang này hai nhà Khảo cổ học đã đào thám sát nhỏ thấy vỏ ốc Cypraea cách ngày nay khoảng 33.000 - 28.000 năm. Ngoài ra, còn tìm thấy “Dấu Bắc Sơn” cùng nhiều mảnh đá công cụ khác như mảnh tước, rìu mài toàn thân, vỏ ốc nước ngọt, xương răng động vật, di cốt người, đồ gốm trang trí khắc vạch kiểu Mai Pha, và tô thổ hoàng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1968 - 1972, hang đã được dùng làm nơi trú ẩn, kho vũ khí đạn dược của Huyện đội Văn Quan.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
7. Hang Ngườm Thẳm
Hang Ngườm Thẳm thuộc thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái.
Trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược, Ngườm Thẳm là nơi ẩn náu, nơi che dấu cán bộ cách mạng, là nơi che chở cho dân làng tránh khỏi bom đạn của đế quốc Mỹ. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hang Ngườm Thẳm là một căn cứ cách mạng quan trọng của huyện Văn Quan, là nơi diễn ra các cuộc họp quyết định vào sự thắng lợi to lớn của quân và dân ta thời kỳ đó.
Hang ở lưng chừng núi, cách chân núi khoảng 30m. Đây là một hang động tự nhiên, có độ sâu và rộng, có nhiều nhũ đá với hình thù sinh động.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
Hang Ngườm Thẳm
Bãi đất Khum Nặm, xã Bình Phúc
Bãi đất Khum Nặm thuộc thôn Khòn Mới, xã Bình Phúc.
Di tích là một Bãi đất bằng phẳng, rộng khoảng 200m2, giữa thôn Khòn Mới, xung quanh là nhà dân và rặng tre bao bọc.
Tháng 10/1945 Tỉnh ủy lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời Lạng Sơn đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại đây. Mỗi đoàn đều có cờ đỏ, sao vàng, băng rôn khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh”. Tại cuộc mít tinh này, Tỉnh ủy đã long trọng tuyên bố UBND lâm thời Tỉnh Lạng Sơn đã được thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm chủ tịch.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
9. Đồi Pò Deng
Đồi Pò Deng thuộc thôn Phai Rọ - Lùng Mán, xã Tân Đoàn.
Di tích là một bãi đất rộng, là nơi ghi dấu sự kiện, ngày 01/5/1946, Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ Điềm He được thành lập tại nơi đây, đồng chí Phương Đình Shừ (Tức Nhạc Sơn) làm bí thư, cùng các đảng viên: Phương Nháy (Tức Hoan Cảnh), Nông Văn Chính (Tức Trung Thành). Sự thành lập Chi bộ Đảng của huyện, đánh dấu phát triển mới của phong trào quần chúng huyện Điềm He nói chung và của các xã thuộc Tổng Tràng Phái nói riêng.
Địa điểm Pò Deng nằm cách trụ sở UBND xã Tân Đoàn 400m, cách đường tỉnh lộ đi Điềm He, Pác Ve 100m. Tại địa điểm Pò Deng đã được xây dựng 1 khu tưởng niệm có bia ghi dấu sự kiện.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
10. Cầu đá - Bia đá Dã Nham
Cầu đá - Bia đá Dã Nham thuộc thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc.
Cầu đá - Bia đá do một viên quan người địa phương họ Hà - Hà Quốc Tán, xây dựng vào năm 1769 (Thế kỷ 18). Cầu bắc qua suối Khằm Ngàn, gồm có 03 trụ đá và 06 thanh đá bắc qua. Cầu có kích thước dài 5m, rộng 2,3m và cao 2,5m. Bia đá được dựng cách cầu đá 50m về hướng Tây, là một tấm bia 4 mặt (Cao 1,5m và mỗi cạnh là 0,48m). Bia tạc năm 1770 nội dung bia ghi lại năm xây dựng cầu và tên người hưng công xây dựng cầu. Bia đá được xây dựng nhà bia và xây tường rào bảo vệ.
Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002 (theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002).
II. CÁC ĐIỂM DANH LAM THẮNG CẢNH
1.Hang Nà Lả:
Hang Nà Lả là một hang đá tự nhiên đẹp, kỳ vĩ thuộc thôn Khòn Cải, xã Liên Hội. Hang gồm hai tầng, tầng trên và tầng dưới thông nhau. Hang sâu khoảng hơn 200m, trong hang có nước, nhiều nhũ đá với hình thù rất đẹp và lạ mắt.
2. Khu rừng hồi hữu cơ:
Phát triển trồng hồi theo mô hình hữu cơ và chăm sóc áp dụng theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hoa hồi dùng để chế biến thành các sản phẩm như gia vị, dược phẩm có giá trị. Cây hồi cũng có lịch sử lâu dài được sử dụng trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc, và gần đây hơn, trong sản xuất dược phẩm của thuốc Tamiflu chống cúm và trong mỹ phẩm.
3. Đập Bó Kheo: Đập nước Bó Kheo thuộc thôn Việt Yên, xã Liên Hội, cách Tỉnh lộ 232 khoảng 500m. Đập có diện tích mặt nước là 04ha. Vào mùa mưa, nước trong xanh mát mẻ; vào mùa khô, mực nước xuống thấp làm cho các mỏm đá cao - thấp nhô trên mặt nước rất kỳ thú, tựa như “cánh đồng đá”. Quanh đập nước là 01 dãy núi và các thửa ruộng của người dân tạo nên phong cảnh xung quanh đập nước rất đẹp và nên thơ.
4. Hồ Bản Nầng
Hồ Bản Nầng thuộc thôn Lùng Pá - Bản Nầng, xã Tân Đoàn, cách trung tâm xã khoảng 07 km. Hồ Bản Nầng có diện tích trên 14 ha, diện tích mặt nước là 12 ha, cao trình 9,56m. Đây là hồ nước tự nhiên, nước trong xanh quanh năm. Vị trí của hồ có độ cao trên 700m so với mực nước biển. Khí hậu nơi đây có mùa hè rất mát mẻ, nhiệt độ thường thấp hơn so với khu vực khác khoảng 2 - 3oC. Hồ được bao quanh bởi những cánh rừng hồi cổ thụ bạt ngàn. Quang cảnh khu vực hồ rất đẹp và hoang sơ.
5. Hồ Bản Quyền
Đập Bản Quyền thuộc Thị trấn Văn Quan, là công trình phục vụ cho thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, phát điện và sinh hoạt của Nhân dân thị trấn và các xã lân cận. Diện tích mặt hồ là 64ha. Dọc hai bên bờ của đập là khu vực dân cư, xen với những thửa ruộng, đồi núi thấp…phong cảnh trông rất nên thơ, hữu tình. Hơn nữa, huyện Văn Quan đang lập quy hoạch xây dựng khu đô thị tại khu vực này với mục tiêu xây dựng Thị trấn Văn Quan trở thành khu đô thị du lịch. Bởi vậy, trên lưu vực của công trình này chúng ta có thể khai thác phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá (Câu cá, trèo bè, trèo thuyền…).
Đập Bản Quyền
6. Hồ Suối Mơ: thuộc thôn Nà Dài, xã Bình Phúc nằm gần Quốc lộ 279. Hồ có diện tích 03ha, cao trình là 03m. Hồ nước mát mẻ, trong xanh quanh năm. Nguồn nước được cấp bởi mạch nước ngầm ngay trong lòng hồ. Hồ Suối Mơ có tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch vui chơi, giải trí trên cơ sở gắn kết với các điểm du lịch khác trên tuyến Quốc lộ 279.
Hồ Suối Mơ
7. Thung lũng Nà Lùng
Thung lũng thuộc thôn Nà Lùng, xã Hữu Lễ có diện tích hơn 10ha với những bãi cỏ xanh mướt quanh năm; có khe nước chảy quanh dãy núi đá vôi, vào mùa mưa nước dâng cao tạo nên phong cảnh rất đẹp. Khu Lân Thại, thôn Nà Lùng có diện tích trên 2ha, nơi đây có hang động với nhiều nhũ đá đẹp, có thác nước tự nhiên chảy thành dòng suối trong mát quanh năm. Khu Lân Bó, thôn Bản Só có diện tích khoảng 6ha. Đây là một thung lũng nhỏ, có dòng suối chảy quanh năm, bao quanh là núi đá vôi, nơi đây có phong cảnh đẹp. Người dân đã trồng được khoảng 4,5ha Quýt Bắc Sơn.
8. Đèo Lùng Pa
Theo quốc lộ 1B, hướng từ thành phố Lạng Sơn vào Văn Quan phải vượt qua đèo Lùng Pa thì mới đến trung tâm của huyện Văn Quan. Đèo Lùng Pa dài 7km, quanh co, uốn lượn, một bên là vách núi, đồi cao, một bên thoai thoải những vườn cây, đồi thấp, quang cảnh rất đẹp. Trên đỉnh đèo, có hai tảng đá to trồng lên nhau trông rất lạ mắt, có vẻ như chênh vênh sắp đổ nhưng thực ra rất chắc chắn; cũng tại vị trí này vào buổi sớm ta sẽ ngắm được cảnh mặt trời mọc với những đám mây trắng bồng bềnh ôm lấy những quả đồi, ngọn núi xa xa, nhấp nhô rất đẹp và nên thơ.
Đèo Lùng Pa
Vẻ đẹp của nhưng hàng cây hoa Dã quỳ đem lại không khí trong lành và màu sắc quê hương xứ hoa Hồi tại Đèo Lùng Pa
9. Xã Khánh Khê
- Điểm Khau Mòong: Nơi đây, có đỉnh cao 868 m so với mực nước biển, khí hậu trong lành, vào mùa hè rất mát mẻ. Tại đỉnh cao này, chúng ta phóng tầm mắt có thể nhìn thấy toàn cảnh hồ Bản Nầng, xã Tân Đoàn, một góc của thành phố Lạng Sơn. Khau Mòong là địa bàn sinh sống đồng bào của người Nùng, nơi này vẫn còn giữ được những nếp nhà trình tường truyền thống, xung quanh làng bản là những thửa ruộng bậc thang rất đẹp vào mùa lúa chín và mùa nước đổ.
- Vườn đào xã Khánh Khê: Với diện tích trên 40 ha trồng đào, mỗi khi đến độ xuân về, trên khắp các nẻo đường, triền đồi, thửa ruộng của xã Khánh Khê hoa đào nở rộ với sắc hồng ấm áp. Tạo nên phong cảnh nên thơ, hữu tình.